Tiếc thay... kiến trúc làng cổ

(ANTĐ) - Những ngôi nhà ống cao vài ba tầng với những gờ chỉ đắp nổi rườm rà, xanh đỏ nằm san sát suốt dọc đường làng giờ đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Sự tồn tại của nó được nhiều người mặc nhiên coi là thước đo cho sự trù phú và phát triển của những ngôi làng cổ ven đô Hà Nội. Nhưng chính “hiện thân của sự trù phú” này lại đang đưa đến một thực trạng nhức nhối đó là kiến trúc làng bị phá vỡ. Sự giàu lên đó cũng đồng nghĩa với việc, làng Việt - nơi ngàn năm lưu giữ tinh hoa văn hóa đang bị biến dạng trầm trọng.

Tiếc thay... kiến trúc làng cổ

(ANTĐ) - Những ngôi nhà ống cao vài ba tầng với những gờ chỉ đắp nổi rườm rà, xanh đỏ nằm san sát suốt dọc đường làng giờ đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Sự tồn tại của nó được nhiều người mặc nhiên coi là thước đo cho sự trù phú và phát triển của những ngôi làng cổ ven đô Hà Nội. Nhưng chính “hiện thân của sự trù phú” này lại đang đưa đến một thực trạng nhức nhối đó là kiến trúc làng bị phá vỡ. Sự giàu lên đó cũng đồng nghĩa với việc, làng Việt - nơi ngàn năm lưu giữ tinh hoa văn hóa đang bị biến dạng trầm trọng.

Nhà mới vẫn mọc lên cạnh những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội
Nhà mới vẫn mọc lên cạnh những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội

“Nhà ống” về quê

So với 10 năm trước đây, kiến trúc của các làng ven Hà Nội giờ đã thay đổi đến mức khó nhận ra. Đi dọc suốt trục đường Láng - Hòa Lạc đến Khu công nghiệp An Khánh hay đoạn đường Bắc Thăng Long từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội những ngôi nhà cao tầng với đủ các loại chóp mái mọc lên san sát, khiến nhiều người lần đầu đến Thủ đô ngỡ ngàng “làng hay phố đây?”. Nhà ống giờ “lan” ra đến sát mép đường làng, cái thò cái thụt... Nhiều làng mới, xóm mới ra đời mà không cần có quy hoạch, không có đầu làng, và cũng không có cuối làng. Kiến trúc thì bát nháo, không theo một phong cách nào, mỗi nhà một kiểu, to nhỏ, cao thấp... tất cả đều là sự rập khuôn những ngôi nhà vốn dĩ đã thiếu bản sắc chốn thị thành.

Về những ngôi làng ven Hà Nội, giờ nhìn đâu cũng thấy một màu bê tông. Cây cối vườn tược nhường chỗ cho nhà cửa. Ao hồ bị lấp đi, lấy chỗ cho xây dựng. Hình ảnh những ngôi làng cổ ven Hồ Tây thơ mộng giờ chỉ còn là hoài niệm. Theo KTS Ngô Doãn Đức - Viện trưởng Viện Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thực trạng này đang gây nhiều nhức nhối, nó như một dòng chảy lan rộng ra khắp các làng quê Việt Nam. Và nếu không có giải pháp kịp thời, bộ mặt của làng quê Việt chắc chắn sẽ bị những công trình kiến trúc tự phát này “băm nát” chỉ trong một thời gian ngắn nữa mà thôi.

Kiến trúc “nửa phố nửa làng” - lỗi tại ai?

Sự phát triển kinh tế của đất nước đã khiến cho đời sống của người nông dân khấm khá lên nhiều. Khi cuộc sống đã no đủ, họ cần phải hướng tới những nhu cầu cao hơn. Không thể bắt họ sống mãi trong những ngôi nhà cũ kỹ, thiếu thốn, nhưng cũng không vì thế mà để việc xây dựng ở nông thôn diễn ra tràn lan và tự phát. Những người thành phố đang phải chịu những hệ lụy về một thời thiếu quy hoạch để việc xây dựng tràn lan và tự phát. Nhưng rốt cuộc, chúng ta vẫn đang giẫm lên những “vết xe đổ”. Người dân nông thôn đang lúng túng về việc sử dụng vật liệu, cấu trúc ngôi nhà. Họ không hiểu và không được phân tích đủ đầy rằng, mảnh đất mà họ đang có, có những lợi thế gì, xây như thế nào thì hợp lý. Chính vì điều này ở rất nhiều ngôi làng ven đô Hà Nội, tự nhiên “nảy” ra những ngôi nhà được sơn xanh, sơn đỏ, được đắp điếm những hoa văn cầu kỳ, rườm rà...

Chúng ta đang thiếu một cái nhìn định hướng cho kiến trúc nông thôn, ở nhiều nơi, quỹ đất dành cho giãn dân bám vào hai bên lề đường. Rồi cấp đất, rồi xây nhà, rồi mở quán bán hàng, cứ như những “cái chợ kéo dài suốt dọc đất nước”. Cũng theo KTS Ngô Doãn Đức, hơn lúc nào hết, rất cần có định hướng cụ thể trong việc bảo tồn kiến trúc làng. Không thể “ngoảnh mặt làm ngơ” trước tình trạng xây dựng tự phát này mà phải tìm cách thay đổi nó bằng những chủ trương chính sách cụ thể, bên cạnh đó cũng phải có những hướng dẫn, những tác động đến nếp nghĩ của người dân. Điều này nhằm hướng đến ý thức trong việc xây dựng, cũng là để người dân không phải chịu sự phi lý ngay trên chính mảnh đất của mình.

Giải pháp nào cho kiến trúc làng Việt cổ

Theo KTS Nguyễn Địch Long, lưu giữ được truyền thống văn hóa làng từ ngàn đời xưa để lại là việc làm đầy trách nhiệm, nghiêm túc và không thể thoái thác. Phải giữ lại nguyên trạng các công trình truyền thống như nhà ở, công trình công cộng cùng hệ thống giao thông. Bởi, những thứ này như một bảo vật thiêng liêng, đã mất đi, không có cách gì lấy lại được. Tuy nhiên, chúng ta không thể biến nó thành bảo tàng, vì thế trong quy hoạch xây dựng làng, nên chia ra làm 2 khu vực riêng biệt, giữ nguyên khu vực làng truyền thống và dành một quỹ đất thích hợp khác cho khu vực làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Các mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng sẽ là mối liên kết để cả hai khu vực làng cổ và làng làm kinh tế cùng phát triển một cách hài hòa. Có như thế, việc bảo tồn những giá trị truyền thống mới bền vững được. Bên cạnh đó, trong quá trình quy hoạch kiến trúc, phải làm sao tạo ra mối liên hệ, bổ trợ giữa truyền thống và hiện đại. Để có một tổng thể không gian kiến trúc hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đòi hỏi sự tập trung đầu tư trí tuệ của cả hệ thống chính quyền, của những người dân trong làng và sự vào cuộc của giới kiến trúc sư. Có như thế, mới giữ được những hồn làng xưa bên phố làng mới.        

Quỳnh Vân