Tích trữ xăng, dầu: "Bom nổ chậm"

ANTĐ - Việc người dân vô tư mang can, bình đến các điểm xăng, dầu để mua về tích trữ hoặc sử dụng cho các mục đích riêng có thể thấy ở bất kỳ cây xăng nào. Điều này là hết sức nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cháy nổ. Các lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã khuyến cáo về việc tích trữ xăng dầu tại nhà khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao nhưng dường như người dân vẫn “phớt lờ” chỉ “tỉnh” khi sự cố xảy ra. 

Tích trữ… nguy hiểm 

Qua khảo sát nhanh của chúng tôi tại một số cơ sở cung cấp xăng, dầu, khí đốt trên địa bàn Thủ đô, tất cả các nhân viên đều xác nhận: người dân ngoài nhu cầu thiết yếu là đến cây xăng để đổ nhiên liệu cho phương tiện giao thông cá nhân của mình như ôtô, xe máy…; thì cũng có không ít người dân chở bình nhựa, can sắt đến mua xăng, dầu mà mục đích sử dụng thì chỉ có cá nhân họ mới biết. Đặc biệt, trước - sau mỗi đợt có tin đồn xăng, dầu tăng giá, rất dễ bắt gặp cảnh tượng người dân ồ ạt xếp hàng mang dụng cụ đi mua xăng, dầu về nhà tích trữ. Đó cũng là phản ứng tất yếu của người dân bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ, tuy nhiên điều nguy hiểm đi liền với đó là khi người dân mua xăng dầu với số lượng nhiều mang về nhà cất giữ nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ xảy ra bất cứ lúc nào. 

Xét ở một khía cạnh khác, tình trạng mua bán xăng tự do cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Việc tích trữ những “bình xăng” thô sơ ngoài tự nhiên, không có một thiết bị bảo hộ phòng cháy, cộng thêm cách đong rót thủ công là nguyên nhân dẫn đến việc cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bất chấp những văn bản của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương về việc siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu ngoài luồng, đặc biệt là lệnh cấm tình trạng bán xăng tự do nhằm giảm bớt tình trạng cháy nổ liên quan đến xăng kém chất lượng nhưng đến nay hoạt động mua bán, tích trữ trong nhà, kinh doanh xăng dầu trên vỉa đường, hè phố do các cá nhân tự phát vẫn hoạt động tràn lan, đặc biệt là ở những tuyến phố dài và cách các cây xăng khá xa. Từ kết quả khảo sát cho thấy hầu hết việc mua bán rồi tàng trữ xăng dầu của người dân đều hết sức cẩu thả. Đơn cử như tại một điểm sửa chữa, bơm vá kiêm bán xăng trên đường Nghi Tàm, chiếc can đựng xăng được để cách bếp than tổ ong của một gia đình bên cạnh; còn những chiếc “bình xăng… di động” bày trên vỉa hè thì được để hớ hênh cạnh các bếp lò của các quán ăn vỉa hè, bếp than của các gánh hàng rong… khiến tiềm ẩm quá nhiều nguy cơ cháy nổ. 

“Bom nổ chậm” trong nhà 

Thực tế trên địa bàn Hà Nội và tất cả các tỉnh thành trong cả nước đã có không ít những vụ việc cháy do xăng, dầu được người dân tích trữ trong nhà. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào lúc 18h ngày 24-6, tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, anh Hoàng Quốc Vũ trong lúc sử dụng mỏ hàn để sửa chữa hàng điện tử đã làm lửa bắt vòng can xăng 20 lít để trong nhà gây cháy và phát nổ. Vợ chồng anh Vũ đều bị bỏng nặng, cháu bé 5 tuổi con trai của anh Vũ bị bỏng rất nặng, những tài sản trong gia đình đều bị thiêu rụi. Tai họa trên được bắt nguồn từ việc anh Vũ thường mua xăng về tích trữ để đổ cho xe máy đi giao hàng…

Thượng tá Trần Quang Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội qua trao đổi cho biết, việc cấm người dân mua xăng vào can, bình là rất khó, bởi nếu đó là nhu cầu chính đáng khi mua về để chạy máy phát điện, các loại thiết bị phục vụ nông nghiệp…. Thực tế việc kinh doanh xăng dầu tự phát là bất hợp phát và vô cùng nguy hiểm. Chắc chắn rằng nếu đã kinh doanh xăng trên… vỉa hè là sẽ có tích trữ trong nhà, trong khi đó xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt và thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào kinh doanh xăng dầu đều phải đảm bảo đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn như nơi bảo quản, thiết bị bán hàng, trang bị PCCC hay công tác huấn luyện … 

“Vũ khí” phạm tội 

Báo ANTĐ ngày 21-7-2013 cũng có bài viết “Mua axít dễ dàng như mua một lọ cồn sát trùng” khi những vụ án mạng mang tên… axít vẫn liên tục được diễn ra. Còn nay, việc cá nhân mua xăng dầu, tích trữ còn dễ hơn thế rất nhiều. Và đã có những đối tượng mua xăng tích trữ để phục vụ động cơ tội ác… Mới đây nhất là vụ việc xảy ra ngày 8-7, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Lê Minh Tâm (SN 1971), ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội để làm rõ hành vi giết người. Trước đó, tại nhà ông Nguyễn Ngọc Lâm (SN 1949), ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội phát ra tiếng nổ, đám cháy bùng phát, bên ngoài mọi người đã nghe thấy tiếng kêu cứu của ông Lâm, đến khi đưa ra khỏi đám cháy ông Lâm đã tử vong. Sau khi con gái của ông Lâm đòi chia tay đã khiến Tâm ôm hận. Tâm dùng điện thoại nhắn tin đe dọa hầu hết các thành viên trong gia đình, dọa sẽ tạt axít và đốt nhà để “rửa hận” nếu con gái ông Lâm không chịu quay lại. Khoảng 0h20 ngày 4-7, Tâm đi từ nhà, nhặt 1 vỏ bình đựng nước loại 20 lít rồi bắt xe ôm đi ra đường Láng mua 150.000 tiền xăng, cho vào bình đựng nước rồi chở đến nhà ông Lâm châm  lửa... Thực tế đã có không ít những vụ án mà đối tượng đã tìm đến… xăng như một thứ vũ khí hiệu quả để trả thù như: bị phụ tình cũng mua xăng đốt nhà; đòi nợ không được tưới xăng phóng hỏa; mang xăng đi giết tình địch; tẩm xăng đốt chồng, thiêu vợ vì hận…  

 

Cảnh báo

Theo một cán bộ phòng Cảnh sát Hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết qua khảo sát cho thấy việc mua bán xăng dầu vào can, bình diễn ra một cách phổ biến. Trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu cũng không có quy định về việc bán xăng dầu lẻ, cũng như quy định về bơm rót cho khách hàng. Việc cá nhân mang can, bình ra mua hầu hết nhân viên các trạm xăng vẫn bán cho khách hàng. Thực tế cơ sở bán hàng và người dân phải đảm bảo an toàn phòng cháy thì mới được thực hiện việc mua bán xăng, dầu; nơi cất giữ của họ cũng phải đảm bảo an toàn phòng cháy. Nghị định 35 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PC&CC với từng hộ gia đình nên trang bị 1 bình chữa cháy để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và hàng xóm láng giềng. 

Chúng ta đã có quá nhiều bài học về tai nạn do cháy nổ mà hậu quả của nó có thể nguy hiểm đến tính mạng nhiều con người, thiệt hại vật chất lên tới hàng trăm tỷ đồng. Với những nguy hiểm như đã nêu trên, đã đến lúc cần phải cảnh báo tình trạng mua bán xăng dầu lẻ và có những quy định chặt chẽ đối với các cá nhân bán xăng lẻ trên đường phố, thậm chí có thể cấm các hành vi bán xăng lẻ. Để quản lý  việc này trước hết cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý thị trường vì đứng về mặt quản lý Nhà nước thì đây là trách nhiệm của họ. Tiếp theo là ngay cả chính quyền sở tại cũng không thể đứng ngoài cuộc, nếu phát hiện việc người dân tàng trữ xăng, dầu trong nhà với mục đích kinh doanh thì địa phương cần xử lý ngay. Trong trường hợp cần thiết có thể tịch thu bởi chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng tới chính họ và những người xung quanh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân rất kém, vì vậy việc tích trữ xăng, dầu số lượng lớn trong nhà vì bất kỳ mục đích gì là hết sức tối kỵ, chỉ cần một bất cẩn nhỏ tai họa lớn sẽ xảy ra. Và khi tai họa đã xảy ra, ân hận thì đã không kịp.