Tiếp tục những ý kiến về “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông”

Tích hợp là xem thường những giá trị lịch sử

ANTĐ - LTS: Trong số ra ngày hôm qua, 16-11, Báo ANTĐ đã thông tin tới bạn đọc về cuộc hội thảo “chưa từng có” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì xung quanh “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông” mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến trong thời gian gần đây. Để có cái nhìn toàn cảnh nhất, ANTĐ xin tiếp tục trích đưa các ý kiến của các giáo viên, các nhà nghiên cứu xung quanh vấn đề nên hay không nên tích hợp Lịch sử vào môn học “Công dân với Tổ quốc” và nên để Lịch sử là môn học bắt buộc hay tự chọn.
Tích hợp là xem thường những giá trị lịch sử ảnh 1

Sách giáo khoa dài dòng, phương pháp dạy khô cứng là nguyên nhân khiến học sinh kém hứng thú với môn Lịch sử

Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung (Giám đốc Học viện Quốc phòng) : Phải đưa môn Sử trở về đúng vị trí

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, dân tộc ta đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh chống xâm lược với các thế lực phong kiến, đế quốc khác nhau mà dài nhất là hơn 1.000 năm đấu tranh chống sự đô hộ của các tập đoàn phong kiến phương Bắc. Tất cả các thế lực xâm lược nước ta đều đã dùng trăm phương, nghìn kế nhằm xóa bỏ lịch sử và văn hóa dân tộc ta, hòng đồng hóa nhưng chúng đều thất bại.

Điều đó nói lên việc xóa bỏ lịch sử là một trong những thủ đoạn vô cùng thâm độc, xảo quyệt của các thế lực phong kiến, đế quốc khi xâm lược nước ta và các thế lực phản động ngày nay. Vì vậy giáo dục lịch sử ở bậc học phổ thông lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu như môn Lịch sử không được đối xử và lựa chọn đúng với vị trí, vai trò của nó, không trở thành môn học bắt buộc cho học sinh trung học phổ thông thì rất nguy hại cho quốc gia, dân tộc.

Tiến sĩ Trần Vân Anh (Đại học Thủ đô Hà Nội) : Cần sự thay đổi từ phía Bộ GD-ĐT

Việc dạy, học Lịch sử hiện nay ở nước ta chưa thực sự thu hút được sự yêu thích và lựa chọn của học sinh. Một mặt từ phía chương trình, sách giáo khoa và người dạy cần đổi mới nội dung và phương pháp dạy học Lịch sử. Mặt khác, cần có sự thay đổi lớn từ phía Bộ GD-ĐT về nhận thức, vai trò và cách thức “hành xử” với môn Lịch sử.

Đổi mới giáo dục cần tiếp cận và hội nhập với các nền giáo dục phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada… Một ví dụ thực tiễn, một học sinh Việt Nam khi nhập học chuyên ngành Toán ở một trường đại học Mỹ, cần một bảng nhận xét 3 môn học là Toán, Lý và Lịch sử. Nếu theo Dự thảo của Bộ GD-ĐT thì học sinh này sẽ học tự chọn KHXH. Vậy, nhận xét môn Lịch sử thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Trường KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội): Tích hợp chỉ là phép cộng cơ học

Lịch sử là một môn khoa học không thể tích hợp vào bất cứ môn học nào. Lịch sử đã là môn học tích hợp rất cao nên cần đứng độc lập. Đưa Lịch sử vào “Công dân với Tổ quốc” là không đúng nghĩa về “tích hợp liên môn” mà chỉ là phép cộng cơ học, là sự “khai tử” Lịch sử một cách cố ý, là sự xem thường những giá trị đặc thù của giáo dục lịch sử.

Một cán bộ cấp vụ của Bộ GD-ĐT từng khẳng định: “Ở nhiều quốc gia khác, học sinh sẽ hoàn toàn học theo môn tự chọn”. Phải chăng nói thế là có sự nhầm lẫn. Chúng ta sẽ trả lời như nào trước câu hỏi: Tại sao ở các nước có nền giáo dục tiên tiến thì môn Lịch sử lại là môn học độc lập, bắt buộc, còn Việt Nam thì không? Chắc chắn Ban Dự thảo chương trình của Bộ chưa nghĩ đến câu hỏi này.

GS.TS Đỗ Thanh  Bình (Đại học Sư phạm Hà Nội) : Không thể ghép sống sượng với nhau

Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, Lịch sử là môn học bắt buộc, đặc biệt là ở cấp THCS và THPT, nhưng ở Việt Nam, Lịch sử là tự chọn, rồi lại chủ trương ghép vào môn học chưa từng có trên thế giới - “Công dân với Tổ quốc”. Ở Hàn Quốc, quốc sử là bắt buộc, thậm chí tuyển sinh của Đại học Seoul dù chọn ngành học nào cũng phải thi môn Lịch sử. Giảm nhẹ không có nghĩa là cắt bỏ hay biến mất những môn học liên quan đến sự hình thành nhân cách con người, đến vận mệnh dân tộc. Có những môn học có những nội dung tích hợp được, nhưng có những môn học không thể làm được, không thể ghép sống sượng với nhau.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh : Sẽ ra sao nếu Lịch sử không còn chính danh?

Hàng nghìn năm nay, không có môn học "Công dân và Tổ quốc", nhưng cha ông ta vẫn đánh thắng quân xâm lược Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh… Có bộ môn Lịch sử là bởi cả nghìn năm nay, dân tộc ta đã có “Đại Việt sử ký”, và sau đó là “Đại Việt sử ký toàn thư”, rồi “Việt Nam sử lược”...

Người Việt Nam hiểu biết được nguồn cội của mình cũng bởi một phần quan trọng từ các bộ Sử đặc biệt ấy! “Công dân với Tổ quốc”, hay “Công dân và Tổ quốc” cũng cần, nhưng bỏ môn Lịch sử là xóa bỏ một tên gọi, xóa bỏ một chính danh, sẽ... xóa bỏ cả một bộ phận làm nên diện mạo đời sống tinh thần dân tộc.

Các cụ ngày xưa nói "danh chính ngôn thuận", Lịch sử không còn chính danh nữa thì sẽ ra sao??? Lịch sử đang là môn độc lập mà cả phòng thi chỉ có 1-2 thí sinh, huống hồ là... tích hợp. Chương trình giáo khoa Sử lẽ ra phải viết lại cho khoa học, sinh động, hấp dẫn học sinh hơn chứ! Trong khi đất nước ta nghìn năm giặc giã liên miên. Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ lặng sóng, mà vội vàng  “khai tử” môn Sử…