Tia sáng hiếm hoi giữa V-League phủ đầy bóng đen tiêu cực

ANTĐ - Chức vô địch xứng đáng cho Bình Dương và trận đấu sòng phẳng giữa "anh em" SHB Đà Nẵng - Hà Nội T&T ít nhiều giúp hình ảnh V-League 2014 được vãn hồi.

1. Một lãnh đạo CLB Bình Dương trước trận gặp ĐTLA - trận đấu mà nếu thắng, đồng thời Hà Nội T&T thất bại hoặc chia điểm thì họ sẽ lên ngôi vô địch sớm một vòng đấu - đã tâm sự rất thật: "Chúng tôi đã lên sẵn kế hoạch ăn mừng rồi nhưng thực lòng vẫn có chút lo lo bởi kế hoạch có thể đổ bể, nếu SHB Đà Nẵng "nhường" điểm cho Hà Nội T&T như người ta đồn đoán".

Sự thật thì cho đến hết hiệp thi đấu đầu tiên, khi thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức chơi thiếu quyết tâm trước một Hà Nội T&T đầy khát khao và lại đang dẫn trước 1-0, nhiều người đã tin rằng "kịch bản nhường điểm" sẽ tái lặp, bất chấp Bình Dương sớm an bài trận gặp ĐTLA khi dẫn 3-1 ngay trong hiệp 1. Và chỉ khi SHB Đà Nẵng ghi liền 2 bàn trong 4 phút để chính thức tước cơ hội vô địch của "người anh em" Hà Nội T&T, các thành viên CLB Bình Dương mới thở phào và tiến hành kế hoạch ăn mừng như dự tính.

SHB Đà Nẵng (áo trắng) đã chơi một trận đấu sòng phẳng với Hà Nội T&T

Thực tế mà nói, Hà Nội T&T đã rất khát khao và nhỉnh hơn hẳn xét về tương quan lực lượng. Thế nhưng SHB Đà Nẵng, mà chính xác là một số cầu thủ của SHB Đà Nẵng đã kịp ngăn không cho tham vọng giành điểm của đội bóng Thủ đô thành hiện thực. Vũ Phong - một cầu thủ từng khoác áo Bình Dương, đã ghi bàn thắng đẳng cấp từ pha sút phạt, ấn định thắng lợi 2-1 cho SHB Đà Nẵng, gián tiếp giúp đội bóng cũ đăng quang trên sân Long An. Một bàn thắng làm xóa tan mọi nghi ngờ về "trận đấu tình cảm" giữa 2 đội bóng cùng một chủ, và quan trọng hơn, bàn thắng đó giúp lấy lại niềm tin của người hâm mộ - niềm tin vào thứ bóng đá trung thực, sòng phẳng ở V-League vẫn chưa chết.

2. Chức vô địch giải đến với Bình Dương như món quà tưởng thưởng xứng đáng cho công sức, tâm huyết, tiền của mà lãnh đạo đội bóng bỏ ra. Đây cũng là đội bóng có lượng CĐV đông đảo, nhiệt thành tốp đầu V-League. Song kể từ lần vô địch 2008, CĐV đội chủ sân Gò Đậu vẫn chưa một lần nếm lại cảm giác sung sướng ngày đăng quang.

Hồi đầu mùa, người ta không tin nổi "đại gia" phía Nam này, với dàn sao đáng mơ ước như thế lại chỉ vỏn vẹn 1 điểm sau 4 vòng đấu. Họ thua thảm 2-4 trước Hà Nội T&T, thua sát nút Thanh Hóa 1-2 và để tân binh Than Quảng Ninh "cưa điểm" ngay trên sân Gò Đậu (hòa 0-0). Đúng vào thời điểm bết bát, thời điểm mà niềm tin nơi người hâm mộ tục dốc không phanh, như một thường lệ, lãnh đạo đội bóng lại cậy nhờ bàn tay ma thuật của "phù thủy" Lê Thụy Hải.

Việc Bình Dương vô địch như thay lời khẳng định: V-League không phải sân chơi dành riêng cho các đội bóng "anh em"

Ông Hải trở lại Bình Dương mang theo sự hoài nghi lẫn kỳ vọng và gánh thêm cả áp lực thành tích từ lãnh đạo đội. Song ngay ở trận ra mắt, HLV 69 tuổi này đã giúp Bình Dương thắng Đồng Nai tưng bừng 4-1 và sau đó là thắng trước An Giang với tỷ số tương tự. Người ta bảo, ông Hải có duyên với đội bóng đất Thủ - cái duyên giúp ông và đội bóng giờ đi vào lịch sử V-League với tư cách HLV, đội bóng giàu thành tích nhất: 3 lần vô địch; cái duyên mà hễ cứ khi nào thành tích đội đi xuống, ông Hải xuất hiện là mọi chuyện lại đâu vào đấy. Quả thực dưới triều đại Lê Thụy Hải, "con tàu" Bình Dương vận hành rất trơn tru và băng băng về đích.

Ở mùa giải này, Bình Dương là đội bóng hiếm hoi được đánh giá đủ sức chạy đua vô địch với "anh em" SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Đó là yếu tố cần thiết trong bối cảnh giải đấu bị chỉ trích đang dần trở thành sân chơi riêng của những "đội bóng anh em".

Ít nhất thì, sự sòng phẳng của SHB Đà Nẵng (trong trận thắng Hà Nội T&T 2-1) và màn đăng quang thuyết phục của Bình Dương là 2 tia sáng hiếm hoi của V-League 2014, vốn đã bị bao phủ quá nhiều bởi bóng đen tiêu cực.