PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái và tập thơ “Tị nạn chiều”:

"Tị nạn" để trung thực với cảm giác của chính mình

ANTD.VN - “Bà đã thoát được một lối đi rất nguy hiểm, lối đi của những mỹ từ và sự ủy mị thị dân, cũng như sự đa cảm tràn trề thường thấy trong thơ tình của quá nhiều các nhà thơ cả nam và nữ” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận định như thế về PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái với tập thơ đầu tay - “Tị nạn chiều”. 

“Văng” ra khỏi cuộc tình là tị nạn vào thiên nhiên

“Tị nạn chiều” - cái tên lạ lùng được PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đặt cho tập thơ đầu tay của mình chắc không khỏi khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng đối với bà thì không có gì là lạ, vì nó là một phần câu chuyện cuộc đời. Bà trải lòng, tị nạn âu cũng là một hoàn cảnh của số đông người Việt Nam, và bây giờ cũng là hoàn cảnh chung của Đông Âu, đơn giản khi người ta không sống được ở Tổ quốc của mình thì người ta phải tị nạn ở một đất nước khác.

“Khi tôi ở thành phố Saint-Peterburg (Liên Xô cũ, giờ là Liên bang Nga) trở về TP.HCM để lập gia đình lần thứ hai. Sau độ một tháng thì tôi thấy việc ấy bị đổ vỡ, không có cách gì để cứu vãn được. Tôi buộc phải đi tìm nhà. Tôi đi trên một chiếc Honda và bị lạc đường. Tôi chui vào một quán cà phê, lại bị lạc. Về nhà rồi, tôi bỗng nghĩ: “Ô, mình không có người nào trên đời giúp đỡ mình cả. Lạc đường thì cuối cùng phải xin tị nạn vào đâu đây?”. 

Thế là cái buổi chiều cực kỳ đẹp đẽ ở TP.HCM hóa ra lại rất buồn. Bà về nhà cầm bút lên viết bài thơ “Tị nạn chiều” trong khoảng 15 - 20 phút. “Chỉ còn chiều với một tôi/Chỉ còn tôi với cả một chiều…/Tôi chỉ còn nơi bấu víu là chiều/chỉ còn nơi tị nạn là chiều/để sớm mai tôi sẽ lại/lên đường/từ số không và mảnh vỡ”.

Bài thơ đã ám ảnh nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái cho đến tận bây giờ, mỗi lần “văng” ra khỏi một cuộc tình, bà lại “tị nạn” vào thiên nhiên, cảm thấy thế sẽ tốt hơn. Với riêng bà, tị nạn là một sự thật và bà trung thực với cảm giác của mình.

Cái cớ cho thơ ca xuất hiện

Tình cờ một hôm trên đường, Nguyễn Thị Minh Thái nhìn thấy một người đàn ông ngắt lấy một chiếc lá rồi vò tan nát ra. Nhìn kỹ hơn thì Nguyễn Thị Minh Thái phát hiện ra đó là một người tình cũ của mình. Cái cử chỉ bâng quơ đó làm bà nghĩ về thân phận của “những người yêu khi không còn yêu nữa”.

Khi họ gặp vấn đề gì, họ giải tỏa bằng ngắt lá, xé, vò, vứt một cách vô tình. Thế đấy, đàn ông vô tình nhưng phụ nữ không vô tình, đấy là cớ của thơ ca xuất hiện. “Anh đã vò nát em như chiếc lá/bâng quơ hái trong vườn/cũng vô tình như lúc hái”. (Trích bài thơ “Độc thoại”).

Ít ai biết, “Độc thoại” - bài thơ đầu tiên của tập thơ mang tên viết năm 1973, bài thơ kết lại mang tên “Mất chổi” mãi đến tận sau này, viết năm 2016. Suốt 43 năm ròng rã hun đúc và dồn sức viết tận tâm, trau chuốt, Nguyễn Thị Minh Thái dường như đẽo gọt từng câu chữ để câu chữ tác động mạnh vào trực quan người đọc.

Là sự rùng mình dự cảm bất trắc: “Em như cái cốc/đứng nghiêng ở mép bàn/ chỉ chạm khẽ là rơi vỡ tan”; là sự đánh thức khứu giác thăm thẳm: “Hương lên ngùn ngụt/ trong âm thầm hoa khô”; hay nỗi nhớ trong lòng như thiêu đốt: “Chiều Hà Nội gió mưa đầy trời/ ta muốn rang áo chàng lên”…

Nguyễn Thị Minh Thái sống kỳ công, các tầng nội tâm có nền vững và chiều sâu. Càng gần cuối tập thơ, những bài thơ càng ngắn dần đi nhưng không phải dụng ý. Nó như mật trong quả mỗi ngày một ngọt hơn. Nó như trầm trong ruột cây ngày một thơm hơn.

Không có gì là không có lối thoát

Thơ ca xuất hiện như một cái cớ của bi kịch. Không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông Việt Nam hiện đại cũng gặp một bi kịch. Nguyễn Thị Minh Thái mong muốn mỗi người có cách tự giải quyết bi kịch của mình và tìm được lối thoát. Không có cái gì là không có lối thoát.

Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, bà vừa trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u, hiện đang trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, bà vẫn sắp xếp thời gian để nghiên cứu và sáng tác trong hồi ức về tình yêu. Yêu như hỏa hoạn, yêu như lũ lụt, yêu như sóng thần... và giờ đây yêu như trầm trong ruột cây… Toàn bộ tiền bán sách “Tị nạn chiều”, bà nói sẽ được dùng để làm từ thiện. 

Cách đây gần 20 năm, khoảng 1998, Nguyễn Thị Minh Thái là cây bút nữ duy nhất góp mặt trong tập “Thơ tự do” (NXB Trẻ) với 9 nhà thơ nam khác tại TP.HCM. Tuy thế, sự góp mặt của Nguyễn Thị Minh Thái có lẽ chỉ để “vui bạn vui bè”, hoặc thông báo: “Tôi đang hiện diện”. Để đến khi ra mắt với tập thơ riêng “Tị nạn chiều”, tất cả bạn đọc đều mừng rỡ trước sự kết tinh hoàn thiện nhất về nghệ thuật trong thơ bà.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói: “Tị nạn chiều nghe hơi cải lương, chứ nó không phải quá tân kỳ, nhưng mà nó lại đúng. Tị nạn chiều mới là khốn khổ. Bởi chúng ta biết trong thi ca buổi chiều thường dành cho những sự buồn. Cái đẹp của buổi chiều như được phong thánh, buổi chiều được treo lên đời sống của chúng ta giống như một nỗi buồn để chiêm ngưỡng.

Buổi chiều cứ mãi day dứt trong lòng người làm nghệ thuật”. Còn NSND Lê Khanh thì chia sẻ, lần đầu tiên chị đọc một tập thơ mà từ đầu đến cuối trong suốt cả một đêm, xúc động không để đâu cho hết. Bởi trong thơ là tình yêu của người phụ nữ nồng nàn, quyết liệt. Tập thơ mong manh, thậm chí mỏng, song miêu tả đủ đầy về nỗi cô đơn: thật dễ vỡ, dễ tổn thương, dễ bị bay đi…