Thuỷ điện "tấn công" vườn quốc gia

(ANTĐ) - Việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện sẽ làm thay đổi môi trường sống, đe dọa sự tồn tại của nhiều động, thực vật quý hiếm trong Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Là người am hiểu nhiều về Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, trăn trở và lo lắng cho số phận của nhiều loài động vật, sinh vật nơi đây trước sự xâm lấn của thủy điện.

Khoảng cách chưa an toàn

Như đã thông tin, theo quy hoạch xây dựng, thủy điện Đồng Nai 6 có diện tích 197 ha (diện tích đất có rừng là 168 ha) và thủy điện Đồng Nai 6A có diện tích 174 ha (diện tích đất có rừng là 160 ha) nằm giữa địa phận 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước sẽ “ăn” vào diện tích VQG Cát Tiên 137 ha và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên 145 ha.

Theo GS Đặng Huy Huỳnh, trong báo cáo của Bộ NN-PTNT về 2 dự án thủy điện nói trên, có nhiều điểm cần làm rõ. Thứ nhất, độ tin cậy của hồ sơ kiểm kê hiện trạng rừng để làm cơ sở xin thuê đất và chuyển mục đích sử dụng, do chính chủ đầu tư dự án thuê một doanh nghiệp khác thực hiện.


Phần đất dự kiến xây thủy điện có đất rừng nhưng không phải rừng bình thường mà là khu bảo tồn với VQG và rừng phòng hộ nên sẽ có nhiều cây và con quý hiếm. Trong khi báo cáo hiện trạng chỉ nêu mỗi phần cây và cũng nêu rất chung chung như các loại rừng bình thường.

Thuỷ điện "tấn công" vườn quốc gia ảnh 1
Nếu được đồng ý, khu vực đang được bảo tồn của Vườn Quốc gia
Cát Tiên sẽ được xây dựng nhà máy thủy điện. Ảnh: Xuân Hoàng


Thứ hai, chủ đầu tư chưa lập đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của pháp luật nhưng không hiểu căn cứ vào đâu Bộ NN-PTNT lại khẳng định: Ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu bảo tồn tê giác, sinh cảnh Bàu Sấu, các mục tiêu cơ bản của VQG vẫn được bảo đảm? Khoảng cách từ 7 đến 11 km từ thủy điện đến khu bảo tồn tê giác chưa phải là khoảng cách an toàn.


Tê giác là loài thú lớn, phạm vi hoạt động có thể lên đến 7 đến 10 km mỗi ngày và quen sống trong các khu rừng rậm, nếu không yên tĩnh, loài này sẽ bỏ đi. Chính vì vậy, thủy điện sẽ tiêu diệt loài tê giác rất nhanh nếu không may nước tràn vào, thay đổi môi trường sống của chúng.

Đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, chủ đầu tư chỉ lo phần khai thác mà chưa có kế hoạch giảm thiểu tác hại trong quá trình khai thác cũng như hậu quả sau này.

Hạ du bất an

Cũng theo GS Đặng Huy Huỳnh, VQG Cát Tiên nằm ở phần chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Nam Bộ. Vì vậy, khu vực này có vai trò quan trọng không chỉ với Tây Nguyên mà cả Đông Nam Bộ, ĐBSCL, đặc biệt là vùng phát triển kinh tế năng động TPHCM. Nằm ở vùng đầu nguồn, rừng ở đây có tác dụng giữ đất, giữ nước và cả bảo vệ môi trường nguồn nước.


Bên cạnh đó, VQG Cát Tiên còn có vai trò điều tiết khí hậu, môi trường cho cả vùng Tây Nguyên và Nam Bộ. Chặn nước ở thượng nguồn, hạ nguồn không thể phát triển. Rừng đầu nguồn bị tàn phá, hạ du không thể có môi trường sống ổn định, nhất là trong thời điểm biến đổi khí hậu.


Hệ sinh thái của VQG Cát Tiên là có “một không hai” không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Đó là khu dự trữ sinh quyển lớn có rừng nguyên sinh với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như sinh thái ngập nước, sinh thái trên cạn… Tại VQG Cát Tiên có cây họ dầu đặc biệt của Việt Nam.


Vừa qua, Khu Bảo tồn Vĩnh Cửu có ý định phục hồi loại cây này với chi phí khá lớn mà quan trọng là thời gian phục hồi phải mất từ 50 đến 100 năm. Ngoài ra, một số loài động vật thuộc diện quý hiếm của thế giới như bò tót, bò rừng, voọc, khỉ… chỉ còn tại VQG Cát Tiên. Đặc biệt là quần thể tê giác hiện nay chỉ còn vài con ở đây. Năm rồi, một con chết đã khiến các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới hết sức lo lắng. Thế giới biết đến VQG Cát Tiên cũng chính nhờ quần thể độc nhất này.

Khó trở thành khu di sản văn hóa thế giới

VQG Cát Tiên có diện tích hơn 72.000 ha trải dài trên địa bàn 4 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, cách TPHCM hơn 150 km, với hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đã có tên trong Sách đỏ.

VQG Nam Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 441 của thế giới. Đầu năm nay, VQG Cát Tiên đã được Chính phủ cho phép lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là khu di sản văn hóa thế giới.

“Việc xây dựng ồ ạt và xâm lấn của con người ngày càng mạnh và phức tạp như thế này thì có lẽ để được UNESCO công nhận cũng sẽ rất khó, khi mà môi trường tự nhiên hoang dã bị trộn lẫn với sinh hoạt của con người”- ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết.