Thủy điện chưa tính tới lợi ích môi trường

ANTĐ - Đó là ý kiến của ông Trương Văn Vở (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) khi trao đổi với báo giới tại hành lang Quốc hội hôm qua, 30-10.

- PV: Việc quy hoạch và phát triển thủy điện có vấn đề gì không, theo ông?

- Ông Trương Văn Vở: Theo tôi, xung quanh việc quy hoạch thủy điện đã nảy sinh những vi phạm về quy trình quy hoạch và vi phạm về Luật Bảo vệ môi trường. Việc quy hoạch thủy điện mới chỉ tính một mặt đến lợi ích kinh tế, mà không tính đến lợi ích về môi trường, xã hội. 

-  Theo ông, Nghị quyết của Quốc hội (QH) tại kỳ họp này cần làm rõ những vấn đề gì xung quanh việc quy hoạch phát triển ngành điện?

- Xung quanh vấn đề điều chỉnh quy hoạch thủy điện được Chính phủ (CP) trình QH ra Nghị quyết kỳ này, cần làm rõ trách nhiệm trong thực hiện quy trình quy hoạch thủy điện, phải xác định trách nhiệm cả của địa phương và các bộ, ngành liên quan, đồng thời làm rõ chủ thể trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình quy hoạch; chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, chủ thể trách nhiệm trong quá trình làm tham mưu cho CP bổ sung 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, cùng với 6 dự án thủy điện bậc thang của hệ thống sông Đồng Nai. Trong Nghị quyết QH lần này, tôi đề nghị quan tâm đến việc xác định diện tích đất rừng bị mất do thủy điện và trách nhiệm đó thuộc về ai? 

- Trong quy định về thủy điện, các nhà đầu tư khi lấy một mét rừng phải trồng bù lại khối lượng tương ứng. Theo ông, trong quá trình làm thủy điện, việc này được thực hiện như thế nào?

- Rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt, theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng. Theo tôi, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và vườn quốc gia phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Nếu đụng tới diện tích đất rừng đó, cần phải xem xét cẩn trọng trong quá trình lập quy hoạch. 

- Trong kỳ họp này, QH vẫn rà soát để loại bỏ tiếp các dự án thủy điện không đạt yêu cầu. Vậy, theo ông sự cần thiết của việc làm này?

- Rà soát phải thực hiện đúng quy trình, quy hoạch, gắn với công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ, phát triển rừng và đất rừng. Bởi lẽ, ngoài các dự án thủy điện còn nhiều dự án kinh tế khác liên quan đến quản lý và bảo vệ đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và vườn quốc gia. 

- Trên thực tế, tình trạng vỡ hồ, đập thủy điện xảy ra nhiều. Theo ông, việc quản lý hồ, đập thủy điện đang có sự buông lỏng?

- Cần phải rà soát lại việc thực hiện theo chỉ đạo của CP về quy trình vận hành hồ chứa. Phải gắn với trách nhiệm của từng chủ thể ngành và địa phương trong quá trình vận hành hồ chứa, đồng thời có chế định về xử lý vi phạm thật nghiêm minh. Phải có chế tài, chế định xử lý vi phạm rõ ràng, cụ thể và mạnh tay xử lý vi phạm, xác định rõ chủ thể trách nhiệm trong việc ban hành quy trình vận hành hồ chứa. 

Khả năng sẽ tiếp tục phải tính toán lại các dự án thủy điện. Các bộ, ngành chức năng ở địa phương phải kiên quyết rà soát, đánh giá lại để thực hiện đúng những tiêu chí CP đã chỉ đạo theo hướng phát triển thủy điện nhưng phải đảm bảo an toàn hồ, đập và các yếu tố môi trường, xã hội.