Thượng tướng Phan Văn Giang: Phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội, tập trung lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại...

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại

Tại Đại hội XIII, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, tham luận do Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày làm rõ kết quả và đề xuất một số nội dung chủ yếu về “Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chỉnh quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, Đảng tiếp tục tập trung lãnh đạo Quân đội, các lực lượng chức năng tăng cường cảnh giác, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nghiên cứu xác định chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài, hóa giải nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Đồng thời, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh cần tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; nâng cao chất lượng xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ các cấp gắn kết chặt chẽ với thế trận phòng thủ của các quân khu.

Nhấn mạnh vai trò của việc kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; xây dựng, phát huy hiệu quả các đoàn, khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm, tạo thế trận, “phên dậu” vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài, Thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng, cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự; thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng thực chất, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội, tập trung lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại; chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, tiêu biểu, mẫu mực; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, bảo đảm có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn:

Phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"

Tham luận tại Đại hội XIII với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, để tổ chức Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ…

Nêu 5 bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, về chủ quan, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cũng còn những hạn chế.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước.

Trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:

Nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch khu đô thị sáng tạo

Tham luận tại Đại hội XIII về "phát triển kinh tế tri thức", ôngNguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức.

Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự kiến, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - nơi vừa có sự liên kết của các trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, vừa có vai trò của chính quyền trong hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp. Điển hình là hình thành Viện công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thành lập các Hội đồng phát triển kinh tế ngành với sự tham gia của nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nghiên cứu và các tổ chức tín dụng.

Một điều quan trọng không thể thiếu là tạo niềm tin trong lòng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức.

Những ứng dụng của công nghệ thông tin vào dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử, phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, khởi nghiệp sáng tạo… luôn được người dân và doanh nghiệp đồng tình và tích cực hưởng ứng.

Thành phố cũng quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của Thành phố, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tri thức…

TP.HCM đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới, trong đó cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ lựa chọn, đưa ra chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới…