Thượng tôn pháp luật để thúc đẩy hợp tác vì an ninh và phát triển ở Biển Đông

ANTD.VN - Duy trì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế để trên cơ sở đó mở rộng hợp tác vì an ninh và phát triển ở Biển Đông, vùng biển đóng vai trò kết nối giữa các đại dương, là thông điệp chính nổi lên tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 vừa diễn ra tại Hà Nội

Thượng tôn pháp luật để thúc đẩy hợp tác vì an ninh và phát triển ở Biển Đông ảnh 1Bó đũa ASEAN luôn giữ vai trò trung tâm trong giải quyết vấn đề Biển Đông

Nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực

Một điểm mới nổi lên tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần này là cách nhìn rộng mở về Biển Đông như là vùng biển kết nối các đại dương, là nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chỉ rõ Biển Đông là không gian của nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng và nhộn nhịp hàng đầu thế giới, là cầu nối giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Á và châu Đại Dương.

Ngoài đóng vai trò là con đường hàng hải quan trọng, Biển Đông được biết tới như một khu vực giàu tài nguyên như hải sản và dầu khí. Đây là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Biển Đông còn là vùng biển có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc hình thành và tích tụ băng cháy, được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai. 

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Biển Đông là nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực. Vị trí địa - chính trị quan trọng cùng tiềm năng to lớn về nhiều mặt khiến Biển Đông thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia có lợi ích chiến lược ở đây. Cũng vì giàu tiềm năng như vậy nên Biển Đông trở thành một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Rồi không chỉ liên quan đến lợi ích của các nước ven bờ, Biển Đông còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Anh, Pháp…, nhất là quyền tự do hàng hải và tự do hàng không qua khu vực Biển Đông. 

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu khủng hoảng xảy ra ở Biển Đông, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp 5 lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Có thể nói Biển Đông chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao..., tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột. 

Tôn trọng luật pháp quốc tế, phát huy vai trò các thể chế đa phương

Trong bối cảnh đó, do đó duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của không chỉ các nước trong khu vực mà còn của cộng đồng quốc tế. Đáng tiếc là thời gian gần đây, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc dựa trên yêu sách “đường chữ U” - “đường lưỡi bò” phi lý chiếm tới 80% diện tích Biển Đông khiến thế giới và khu vực hết sức quan ngại.

Việc Trung Quốc liên tục có các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, trong đó có vùng biển của Việt Nam, đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế đã làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật, trở thành tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế.

 Kiểm soát tranh chấp ở Biển Đông, không để mâu thuẫn biến thành xung đột đe dọa hòa bình và ổn định khu vực đã trở thành vấn đề có tính cấp thiết với khu vực. Thực tế cho thấy, trong giải quyết thách thức trên, việc thượng tôn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, có vai trò đặc biệt quan trọng. 

Một vấn đề nữa là Biển Đông không chỉ là vấn đề song phương giữa Trung Quốc với các nước có yêu sách chủ quyền, không chỉ là vấn đề của khu vực, mà là vấn đề đa phương liên quan đến nhiều nước trong và ngoài khu vực. Chính vì thế, các bên liên quan đến Biển Đông cần đến chủ nghĩa đa phương để tìm ra các giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông. Dù chủ nghĩa đơn phương đang có dấu hiệu nổi lên, dù đang phải đối mặt với một số thách thức, nhưng chủ nghĩa đa phương vẫn còn tiếp tục tồn tại và đóng vai trò quan trọng.

Trong các thể chế đa phương tham gia củng cố môi trường thượng tôn pháp luật và tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nổi lên như một nhân tố quan trọng. Với nỗ lực của ASEAN, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được thông qua. Đây là sáng kiến kịp thời, phản ánh các nguyên tắc chính của ASEAN, gồm bao trùm, bổ sung lẫn nhau, trật tự dựa trên luật lệ theo luật pháp quốc tế, và vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như là nền tảng cho đối thoại và triển khai hợp tác ở khu vực. Đây cũng là bước phát triển tích cực và là tư tưởng chung của cộng cồng quốc tế.

ASEAN cũng tích cực thúc đẩy Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực và toàn diện. Quan điểm của ASEAN là việc đàm phán COC cần minh bạch, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và không loại trừ quyền lợi của các bên thứ ba. Nỗ lực của ASEAN được đánh giá là “con đường giúp Biển Đông thoát khỏi tình trạng phức tạp”. 

Tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề phức tạp. Nhưng vấn đề đó không phải không thể giải quyết nếu các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế, phát huy vai trò của các thể chế đa phương.