Thương quê!

ANTĐ - - Tôi với ông đều thuộc lứa cán bộ “nhà quê ra tỉnh” mấy chục năm rồi, vậy mà đến giờ vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời chăn trâu đốt lửa, một thời gian khó mà cuộc sống cứ trong veo, êm ả - Ký Phường bỗng dưng hoài cổ.

- Có thế thật, nhiều năm trước, cứ vài tháng vợ chồng con cái nhà tôi lại dắt díu nhau về thăm quê một lần. Nghỉ hè thì cho con về quê với ông bà, cho nó biết thế nào là hai sương một nắng, là chân lấm tay bùn, để khi bưng bát cơm biết thương người nông dân.

- Nhưng mấy năm nay thấy ông ít về quê hẳn. Tôi cũng thế, vì mỗi lần về lại thêm một lần xót xa.
- Thương lắm, quê gì mà chả thấy bóng tre pheo, ao hồ. Nhà cửa mọc san sát, tường bao cắm mảnh thủy tinh, chăng dây thép gai, đường làng đổ bê tông nhưng không có rãnh thoát nước và ngập những rác, những túi ni lông...
- Quê tôi nghề “kinh doanh dịch vụ” còn phát triển hơn nghề chính, nhan nhản những quán karaoke, tẩm quất, gội đầu. Và đau nhất là khi đọc báo thấy tên mấy đứa thanh niên làng mình bị bắt vì đi cướp, đi bán ma túy, cờ bạc. Đất học quê mình giờ lại đổ đốn thế này à?
- Chả riêng gì quê ông, nhiều quê đang bị tệ nạn “bủa vây”, đô thị hóa đến đâu, tệ nạn theo đến đó.
- Thế mà nghe nói quê tôi đang rục rịch lấy đất làm mấy khu đô thị. Toàn những chỗ đất nạc, ruộng đồng thẳng cánh cò bay cả.
- Rồi ai vào ở những khu đô thị ấy, chả lẽ là mấy làng nông dân đến ở. Rồi làm ăn sinh sống ra sao, tiền không, đất nông nghiệp không, lại phát triển “kinh doanh dịch vụ” chắc?
- Dám lắm! Cho nên không nghĩ thì thôi chứ nghĩ đến là xa xót, là lo lắng mà bất lực.
- Thế những nhà quy hoạch, nhà đầu tư có “từ nông dân mà ra không nhỉ”?
- Không cần biết ở đâu ra, nhưng có thể do họ tầm nhìn ngắn, có thể do cứ thấy lợi trước mắt là làm.
- Thế thì “bó tay chấm com” à!