Thương mại điện tử bứt tốc “nhờ” chất xúc tác đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau một số vụ việc phát tán những dữ liệu cá nhân của người dùng ra ngoài và được sử dụng với rất nhiều mục đích khác, rõ ràng đã đến lúc cần phải có luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt hơn.

Cần có luật đảm bảo dữ liệu nghiêm ngặt

Tại Tọa đàm "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức diễn ra vào chiều 20/4, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin, hiện ở Việt Nam có khá nhiều các doanh nghiệp công nghệ đã và đang chuyển đổi phát triển các nền tảng số thay vì phát triển các phần mềm hay các sản phẩm hệ thống thông tin như trước đây. Xu hướng thị trường cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ hướng xây các hệ thống riêng của mình sang sử dụng các nền tảng số.

Tại Việt Nam với 100 triệu dân, trong đó có 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu doanh nghiệp, 70 nghìn nhà máy sản xuất, 3 nghìn doanh nghiệp vận tải, 44 nghìn trường học, 14 nghìn cơ sở y tế thì chúng ta cần phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số xuất sắc nhằm phục vụ cho nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của các lĩnh vực này.

Với sự phát triển của công nghệ thì nền tảng vật lý dần dần mất đi và thay vào đó là những nền tảng số như amazon, ebay, facebook…

Tiêu dùng điện tử đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới

Tiêu dùng điện tử đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới

Ở góc độ pháp lý, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật cho hay, Việt Nam chưa có nhiều nền tảng số lớn mà mới chỉ có các nền tảng nhỏ lẻ. Những nền tảng số đó sẽ đặt ra những vấn đề về pháp lý.

“Nếu như các chợ vật lý sẽ có cơ quan quản lý thị trường để kiểm tra xem các cửa hàng bán hàng thật/hàng giả, giá cả thế nào; còn trên nền tảng số thì sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng thuận lợi hơn vì tất cả dữ liệu của người bán, người mua đã lưu trữ”- ông Dương chia sẻ.

Cũng theo ông Dương, chúng ta chưa có chuẩn về vấn đề thu thập dữ liệu, mặc dù đã có Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy trình thu thập dữ liệu công bằng và thỏa đáng theo các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã dần được luật hóa nhưng vẫn chưa được hoàn chỉnh.

“Sau một số vụ việc phát tán những dữ liệu cá nhân của người dùng ra ngoài và được sử dụng với rất nhiều mục đích khác, rõ ràng đã đến lúc cần phải có luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt hơn để bảo đảm rằng việc thu thập dữ liệu đó được sự đồng thuận của chủ dữ liệu, xử lý nó cũng phải được sự chấp nhận của chủ sở hữu”- ông Dương nhìn nhận.

Thêm 8 triệu người dùng trực tuyến trong 2 năm Covid-19

Còn bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương (IDEA) cho hay, trong 2 năm đại dịch Covid-19 là cơ hội, cú hích để thương mại điện tử cũng như nền tảng số phát triển. Cụ thể, trong 2 năm qua đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến gia nhập thị trường, trong đó 55% đến từ các khu vực ngoài những thành phố lớn và 99% những người dùng cho biết họ sẽ tiếp tục và tăng tần suất sử dụng các nền tảng trực tuyến.

Trong 2 năm Covid-19 bùng phát, nền tảng số đã đóng góp rất lớn cho sự duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch.

Năm 2020, duy trì được tốc độ tăng trưởng là 18%, năm 2021 là 16% và thương mại điện tử Việt Nam vẫn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Bà Lại Việt Anh lấy dẫn chứng, đối với chợ truyền thống, chỉ có khoảng 100 người nhưng ở trên thương mại điện tử, có đến từ 300.000- 400.000 đến hơn 1 triệu hoặc đến vài triệu người bán. Trên các sàn thương mại điện tử mỗi ngày đều có một khối lượng giao dịch khổng lồ. Có thể thấy, nền tảng số đã có những đóng góp cực kỳ lớn trong việc kết nối cung cầu và định hình những mô hình kinh doanh khác biệt hiện nay. Cắt bớt rất nhiều khâu trung gian theo đó, sản phẩm có thể đi thẳng từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Những hành vi của người tiêu dùng đã được định hình ở trong hai năm vừa qua sẽ hình thành nên những thói quen tiêu dùng mới và những mô hình kinh doanh mới trong tương lai.