Đông Á:

"Thương mại đen" kiếm lời khổng lồ

ANTĐ - Ngày 16-4 mới đây, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết mỗi năm các băng nhóm tội phạm có tổ chức của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thu được gần 90 tỷ USD từ các hoạt động như: sản xuất hàng giả, buôn bán ma túy, buôn người, buôn lậu gỗ và động vật hoang dã.

Tội phạm có tổ chức thu 90 tỷ USD/năm

Trong bản báo cáo mang tên “Transnational Organised Crime in East Asia and the Pacific: A Threat Assessment” - tạm dịch là “Tội phạm xuyên quốc gia tại Đông Á và Thái Bình Dương: Một mối đe dọa lớn”, Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) ước tính những nhóm tội phạm kiếm tiền nhiều nhất là những nhóm tham gia buôn bán hàng giả (24,4 tỷ USD), hàng gỗ cấm (17 tỷ USD), heroin (16,3 tỷ USD) và thuốc gây nghiện methamphetamine (15 tỷ USD). Những nhóm buôn thuốc giả thu được 5 tỷ USD, buôn bán các linh kiện điện tử cũ được “phù phép” thành hàng mới thu lại 3,75 tỷ USD và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thu lại 2,5 tỷ USD. Các hoạt động khác như: dịch vụ môi giới di cư bất hợp pháp hay buôn bán người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái) cũng đem lại hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Ông Giovanni Broussard - nhân viên của UNODC tại Bangkok - cho biết, thu nhập của tội phạm xuyên quốc gia 90 tỷ USD/năm lớn hơn GDP của một số nước Đông Nam Á, gấp đôi GDP của Myanmar, gấp 8 lần GPD của Campuchia và gấp 13 lần GPD của Lào.

Trong bản báo cáo này đặc biệt tập trung vào nhóm tội phạm vận chuyển lậu heroine và matamphetamine, bởi chúng chiếm tới hơn 1/3 số thu nhập của hoạt động tội phạm trong khu vực. Trong đó nêu rõ, hầu hết, lượng heroine được sản xuất ở Myanmar và bán sang Trung Quốc cùng với các nước khác ở Đông Nam Á. Myanmar và Trung Quốc là những nước sản xuất và xuất khẩu chính các loại metamphetamine.

Theo ông Broussard, nỗ lực bài trừ thuốc phiện ở Afghanistan đã làm cho nông dân ở Myanmar gia tăng sản lượng thuốc phiện. Ông nói: “Đó chính là lý do vì sao chúng tôi mạnh mẽ thúc giục các nước hợp tác với nhau khi soạn thảo những chiến lược này: đó là để tránh tình trạng khi chúng ta trấn áp một hoạt động tội phạm ở một nước thì nước láng giềng sẽ phải gánh chịu những tác động tiêu cực”.

Trong bản báo cáo của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã xuất hiện như một trong những nước có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động tội phạm xuyên quốc gia. Những loại hàng giả, hầu hết được chế tạo ở Trung Quốc và bán sang châu Âu và Mỹ, là ngành hoạt động bất hợp pháp lớn nhất, với doanh thu hàng năm hơn 24 tỷ USD.

Các loại thuốc giả, hầu hết được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ, có thể được tìm thấy trên khắp khu vực Đông Nam Á và ở những nơi xa xôi, nghèo nàn, lạc hậu như châu Phi, gây ra những hậu quả vô cùng nguy hại cho sức khỏe con người. UNODC trích dẫn các cuộc nghiên cứu lâm sàng cho thấy 36% trong số 1.437 mẫu thuốc ở 7 quốc gia Đông Nam Á là thuốc giả. 30% số mẫu không thể kiểm tra được thành phần dược phẩm.

Ở Trung Quốc, nhu cầu các loài động vật hoang dã cho việc làm thuốc chữa bệnh, thực phẩm và trang sức ngày càng cao đã đẩy tình trạng buôn bán các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng gia tăng ở Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào và Campuchia. Mới đây, Hải quan Indonesia đã bắt giữ bốn người đàn ông quốc tịch Trung Quốc tại Sân bay quốc tế Jakarta cùng với tang vật là 248 chiếc mỏ của loài chim mỏ sừng và 189 bộ vẩy tê tê. 

Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc ước tính có hơn 30% sản phẩm gỗ trong khu vực (với  doanh thu 17 tỷ USD) sử dụng các loại gỗ súc bất hợp pháp và Trung Quốc, Indonesia là hai nước xuất khẩu lớn nhất. Davyth Stewart, chuyên viên tình báo hình sự thuộc Chương trình tội phạm về môi trường của Interpol, nói rằng: “Tại một số quốc gia, điển hình như: Mỹ, Liên hiệp châu Âu , Nhật Bản và Trung Quốc, 50-70 % số gỗ sử dụng có nguồn gốc bất hợp pháp. Ở Đông Nam Á, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các vùng thuộc Myanmar, Indonesia, Papua New Guinea, cũng như những hiện tượng đang xảy ra ở Campuchia, Lào và Việt Nam”.

Hậu quả rất nguy hiểm

Ông Jeremy Douglas, đại diện của UNODC tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cho rằng mối đe dọa từ tội phạm có tổ chức hiện đang lớn đến mức nó có khả năng “gây ra tình trạng bất ổn ở các xã hội trên toàn cầu”. “Lợi nhuận phi pháp từ hoạt động tội phạm có tổ chức ở Đông Á và Thái Bình Dương có thể giúp chúng mua bất động sản, các công ty và gây ra nạn tham nhũng ở khắp mọi nơi”.

Thêm vào đó, nhiều hoạt động tội phạm có tổ chức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe toàn cầu. “Khoảng từ 1/3 cho tới 90% số thuốc chống sốt rét ở Đông Nam Á được kiểm nghiệm là thuốc giả. Những loại thuốc cấp thấp như vậy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của cộng đồng. Một là người dùng sẽ bị yếu đi hoặc qua đời. Hai là xu hướng kháng thuốc sẽ gia tăng và đe dọa tới sức khỏe toàn cầu. Hay như việc khai thác gỗ bất hợp pháp ảnh hưởng đến quá trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng một cách bền vững”, ông Douglas cảnh báo.  

Phát biểu trong buổi công bố báo cáo tại Sydney, Phó giám đốc điều hành UNODC Sandeep Chawla cho rằng, những con số này mở ra cánh cửa về cơ chế của thương mại phi pháp, nổi bật gồm: cách thức, địa điểm, thời điểm, thủ phạm và lý do tại sao các thị trường phi pháp nói trên ảnh hưởng tới khu vực này. “Chúng ta cần phải thảo luận về vấn đề này và hợp tác để đối phó ngay từ bây giờ. Cần phải tạo ra một mạng lưới để đánh bại một mạng lưới”, ông Douglas khuyến cáo.