Thương lái nước ngoài thu gom nông sản: Để lại tiếng xấu cho hàng Việt

ANTĐ - Gần đây ở phía Nam, cơ quan chức năng phát hiện thương lái nước ngoài thu gom trái cây rồi “tiêm” hoạt chất thúc chín tố, sau đó vận chuyển về nước hoặc xuất khẩu. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên các thương lái nước ngoài có những hành vi thu mua nông sản Việt bất minh như vậy. 

Cần có quy định pháp lý để bảo vệ “danh tiếng” của nông sản Việt

Thu mua nông sản mờ ám

Đầu tháng 12, Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện và xử lý 8 đối tượng quốc tịch Thái Lan nhập cảnh và hành nghề thu gom trái cây trái phép trên địa bàn huyện Cai Lậy để xuất đi Trung Quốc và Indonesia. Các đối tượng này thu mua cả trái non và dùng hóa chất mang từ Trung Quốc sang để thúc quả chín nhanh và bảo quản được lâu. Theo khai nhận của các đối tượng, họ được một số thương nhân Trung Quốc thuê. Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 7-2013, Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã phát hiện 3 vụ thương nhân Trung Quốc sang thu mua sầu riêng, dứa, mực tươi trái phép.

Đáng lo ngại là sau khi được xử lý hóa chất, nhiều lô hàng sầu riêng từ nước ta xuất đi bị chính đối tác Trung Quốc trả về với lý do không đạt chất lượng và có chất độc. Theo các chuyên gia, việc thu mua trái sầu riêng non, đem nhúng hóa chất thúc chín và xuất đi nước ngoài sẽ để lại “tiếng xấu” cho trái cây Việt Nam. Khi đó, người được hưởng lợi qua hoạt động mua bán là các thương nhân nước ngoài, song đối tượng chịu trận lại chính là nông sản và người nông dân Việt Nam. 

Ông Huỳnh Quang Đấu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam lo ngại, với phương thức mờ ám trên, không chỉ riêng trái sầu riêng bị mang “tiếng xấu” mà một số loại trái cây xuất khẩu khác cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự. Bởi, khi họ nghe thông tin sầu riêng xuất xứ Việt Nam được làm chín bằng hóa chất thì họ cũng đặt ra nghi ngờ với tất cả các loại trái cây khác. 

Không chỉ dừng lại ở trái cây, thời gian gần đây, trên địa bàn quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã xuất hiện một số thương lái Trung Quốc đến tạm trú để thu mua vịt đẻ của nông dân với số lượng lớn và giá cao hơn thị trường. Sau đó, họ đưa vào các lò giết mổ để gia công, đóng gói, vận chuyển ra Móng Cái và xuất sang Trung Quốc. Ông Trần Công Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần tìm hiểu rõ động cơ, mục đích của hoạt động thu mua này để quản lý tốt hơn và thông tin đến người dân.

Sẽ còn tiếp diễn những hành vi phá hoại

Cùng với hoạt động thu mua bất thường, nhiều thương lái nước ngoài còn đưa về Việt Nam tiêu thụ các loại thuốc thúc chín, xử lý, bảo quản không rõ nguồn gốc. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Bộ NN&PTNT cần phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, nhất là thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu.

Ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, đến nay Cục chưa nhận được văn bản thông báo chính thức nào về các lô hàng sầu riêng của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về. Theo quy định thông thương, các lô hàng bị trả về phải được thông báo rõ nguyên nhân vì sao. Thực tế, Việt Nam cũng đã từng trả lại lô hàng khoai tây của Trung Quốc do phát hiện có con ngài đục củ. Hiện nay Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Đối với mặt hàng trái cây, Việt Nam đang xuất siêu sang Trung Quốc? Song, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, sở dĩ, trên giấy tờ Hải quan, Việt Nam xuất siêu trái cây sang Trung Quốc vì toàn bộ phải xuất qua con đường chính ngạch. Còn, trái cây Trung Quốc vào Việt Nam bằng nhiều con đường mà không nằm trên giấy tờ, sổ sách.

Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, nhiều sự việc trước đây như thương lái Trung Quốc thu mua lá điều khô, đỉa, rễ tiêu… khiến cho nông dân điêu đứng là những bài học lớn. Bởi vậy, chúng ta chưa thể xem Trung Quốc như một thị trường liên tục, trọng điểm mà sản xuất chạy theo thị trường này, dễ tiềm ẩn rủi ro khó lường. Theo ông Nguyễn Đức Trọng, hiện nay Việt Nam đã gia nhập WTO nên không thể cấm thương lái thu mua các nông sản. Điều cần làm là sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh và quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu mua, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản  bị sụt giảm. Nguyên nhân không phải do thị trường thu hẹp mà đáng tiếc hơn là do một số lô nông sản xuất khẩu đã bị đối tác từ chối, trả lại do không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn. Từ sự việc thu gom sầu riêng rồi “tiêm” chất ủ chín của các thương lái Thái Lan, Công an Tiền Giang đã xử phạt vi phạm hành chính và trục xuất về nước. Tuy nhiên, cách xử lý của chúng ta hiện nay chỉ như “hớt ngọn”, bằng chứng là liên tiếp xuất hiện thương lái nước ngoài vào nước ta thu mua nông sản một cách lạ kỳ. Nếu không làm từ gốc, từ quy định pháp lý đến ý thức cảnh giác của người nông dân thì sau sầu riêng, vịt đẻ, đỉa… thương lái Trung Quốc sẽ còn tiếp tục thu mua những gì?