Nước Mỹ thời Joe Biden (5)

Thương chiến Mỹ - Trung có thể chưa hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu sau bầu cử Tổng thống Mỹ là cách tiếp cận của ông Joe Biden trong quan hệ thương mại với Trung Quốc khi sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng vào năm 2021. Theo dự đoán, ông Joe Biden có thể sẽ có những lời lẽ bình tĩnh hơn so với ông Donald Trump nhưng vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

LTS: Việc cựu Phó Tổng thống Joe Biden được truyền thông Mỹ “xướng tên” là ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với hơn 270 phiếu đại cử tri được cho sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn, thậm chí tác động nhiều chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của nước Mỹ sau khi Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chính thức nhậm chức sau 12h trưa 20-1-2021.

Bộ máy chính trị nước Mỹ không cho phép nhún nhường

Ông Joe Biden dự báo sẽ đối phó với Trung Quốc bằng cách tăng cường hợp tác với đồng minh

Ông Joe Biden dự báo sẽ đối phó với Trung Quốc bằng cách tăng cường hợp tác với đồng minh

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được truyền thông mô tả là đắc cử, ông Joe Biden dành nhiều thời gian để nói về cuộc chiến với Covid-19 mà không hề đề cập tới Trung Quốc. Có lẽ, cái khó của ông Joe Biden là ứng xử thế nào để không cứng rắn như ông Donald Trump nhưng cũng không thể vượt ra ngoài tâm lý chung không thiện cảm với Trung Quốc của dư luận Mỹ hiện nay.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã chuyển quan hệ với các nước lớn từ can dự tích cực sang cạnh tranh chiến lược, coi quan hệ của Mỹ với các nước lớn là đối thủ chiến lược. Sau nhiều năm khiếu nại về các hoạt động cạnh tranh không công bằng có hệ thống ở Trung Quốc, ông Donald Trump quyết định đặt áp lực lên Bắc Kinh bằng các chính sách đột ngột, thường được công bố trên tài khoản mạng xã hội Twitter, trong đó có việc đánh thuế hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đưa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.

Mới đây nhất, ngày 12-11, ông Donald Trump tiếp tục ban hành một sắc lệnh điều hành ngăn các công ty đầu tư, quỹ lương hưu, các tổ chức, cá nhân của Mỹ mua và bán cổ phiếu của 31 công ty trong một “danh sách đen” đi kèm. Đây là những công ty mà Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cho là có sự hậu thuẫn của quân đội Trung Quốc, trong đó có một số công ty vào hàng lớn nhất của Trung Quốc như các nhà mạng viễn thông China Telecom và China Mobile, nhà sản xuất thiết bị giám sát an ninh Hikvision.

Có thể nói, việc Mỹ xác định quan hệ với Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu không phải câu chuyện của ông Donald Trump hay ông Joe Biden mà của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Chính vì thế, sự cọ xát Mỹ-Trung sẽ không thể giảm bớt dưới thời một chính quyền mới của Mỹ.

Ông Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, thừa nhận: “Các vấn đề tồn tại trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không thay đổi khi có sự thay đổi trong chính quyền Mỹ”. Theo ông Greg Gilligan, có những áp lực khiến cả hai ông Donald Trump và Joe Biden phải duy trì thái độ bởi đơn giản là bộ máy chính trị trong nước không cho phép nhún nhường trước quốc gia khác. Còn Giáo sư Huang Jing, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế và khu vực, Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, thì nhận định: “Dù ông Joe Biden thắng cử, không nên trông đợi sẽ có sự thay đổi đáng kể nào đó trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đã xấu đi đáng kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền”.

Bản thân ông Joe Biden trong một tuyên bố hồi đầu năm 2020 cũng có những nhận xét tương đối rõ ràng xung quanh chính sách với Trung Quốc. Ông Joe Biden tin rằng, nếu Trung Quốc làm theo cách của họ, họ sẽ tiếp tục đánh cắp công nghệ và tài sản sở hữu trí tuệ Mỹ và các công ty Mỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục đưa ra các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp quốc doanh như một lợi thế không công bằng cũng như thúc đẩy thống trị các công nghệ và ngành công nghiệp tương lai. Vì thế, ông nhấn mạnh: “nước Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc”.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn gia tăng

Như vậy có thể thấy, sắp tới cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ vẫn gia tăng. Tuy nhiên, cách tiếp cận với sự cạnh tranh chiến lược gia tăng của ông Joe Biden có thể sẽ khác với ông Donald Trump ở khả năng Mỹ sẽ quay trở lại ngoại giao truyền thống nhiều hơn. Chẳng hạn, dù tuyên bố không sợ phải sử dụng các rào cản thương mại với Trung Quốc nhưng ông Joe Biden cho rằng sẽ chỉ dùng chúng trong trường hợp cần thiết.

Một điều chắc chắn là dưới thời ông Joe Biden, Mỹ sẽ từ bỏ chủ nghĩa đơn phương, định hướng vốn được thúc đẩy dưới thời ông Donald Trump. Hướng tới khôi phục chủ nghĩa đa phương, chính quyền của ông Joe Biden có thể sẽ hợp tác nhiều hơn với các đồng minh so với ông Donald Trump nhằm xây dựng một chiến lược gắn kết hơn trong cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.

Trong một phát biểu trước bầu cử, ông Joe Biden nhấn mạnh: “Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề mà hai bên có lợi ích chung, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và an ninh y tế toàn cầu”.

Đi vào cụ thể, ông Joe Biden sẽ tham vấn các đồng minh chính của Mỹ trước khi quyết định tương lai của các biện pháp thuế quan do Mỹ áp đặt lên Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng sẽ tìm kiếm “sức mạnh tập thể” cùng các đồng minh để củng cố lực lượng đối phó với Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn Reuters 6 ngày trước cuộc bầu cử chính thức 3-11, hai trợ lý của ứng cử viên Đảng Dân chủ nói rằng, bước đầu tiên của ông Joe Biden khi lên nắm quyền là không lặp lại sai lầm của Tổng thống Donald Trump khi áp thuế đối với hàng hóa châu Âu và Canada như một phần trong chính sách “Nước Mỹ là số 1”, khiến các đối tác then chốt của Mỹ phản đối.

Một thay đổi khác có thể xảy ra là thái độ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tìm cách kìm hãm Trung Quốc thông qua chính sách xoay trục sang châu Á và những thỏa thuận như TPP. Nhưng dưới thời ông Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi TPP, khiến cho các đối tác còn lại của hiệp định phải đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thay thế. Rất có thể sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden sẽ quay lại với chính sách của ông Barak Obama, khôi phục TPP.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào chính quyền của ông Joe Biden, đặc biệt là việc xây dựng một khung chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022. Ông Scott Kennedy, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cảnh báo: “Tất cả mọi người phải cẩn trọng. Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ kéo dài và đại dịch cần được kiểm soát. Có lẽ cuộc chiến thương mại sẽ tạm ngừng nhưng còn quá sớm để biết liệu các biện pháp thuế quan và lệnh trừng phạt đối với Tập đoàn Huawei có được gỡ bỏ hay không”.

(Còn nữa)