Thuốc Việt lép vế trong bệnh viện công

ANTĐ - Trong 5 năm qua, chi phí tiền mua thuốc của người bệnh ở nước ta đã tăng gần gấp đôi, đồng thời chiếm tỷ trọng tới 60% tổng chi phí tiền khám chữa bệnh. Vậy nhưng số tiền bỏ ra để mua các loại thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chưa đến 40%, lép vế so với thuốc ngoại và đa phần chỉ là những loại thuốc bổ trợ đơn giản. 

Kê đơn thuốc ngoại, bác sĩ làm bệnh nhân thêm gánh nặng kinh tế  (Ảnh minh họa)

Bác sĩ chê thuốc nội

Bộ Y tế vừa khởi động Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” trên phạm vi cả nước. Đây được xem là động thái tích cực nhằm mục tiêu điều trị hiệu quả, giảm chi phí cho người bệnh và thúc đẩy nền công nghiệp dược phẩm nước nhà. Tuy nhiên, cuộc vận động này dường như vẫn mới chỉ dừng ở khẩu hiệu. Theo khảo sát của chúng tôi, tại hầu hết các BV, đặc biệt là các BV chuyên khoa, tỷ lệ thuốc nội được các bác sĩ kê trong đơn thuốc rất khiêm tốn, thường chỉ chiếm khoảng 30-40% và đa số là các loại thuốc bổ trợ đơn giản, rẻ tiền. Chẳng hạn như tại BV Hữu nghị Việt Nam-Cuba (Hà Nội), tính trung bình một đơn thuốc do bác sĩ kê có 6 loại thuốc thì trong đó chỉ có khoảng 2 loại thuốc nội, gồm vitamin và thuốc giảm đau, còn lại 4 loại thuốc chính đều là thuốc ngoại.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Nam-Cuba cho biết, do đặc thù của BV là một BV chuyên khoa (răng hàm mặt, phẫu thuật tạo hình) nên dù BV đã vận động, khuyến khích các bác sĩ tăng cường dùng thuốc nội song có nhiều loại thuốc chuyên khoa trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất được nhưng chất lượng, liều lượng chưa đảm bảo, nên vẫn phải kê thuốc ngoại. Nếu tính trên đầu thuốc được sử dụng tại BV thì thuốc nội chiếm tỷ trọng khoảng 30-40%. Ngoài lý do chính về chất lượng của thuốc nội, nhiều ý kiến cho rằng việc các bác sĩ chê thuốc nội, sính thuốc ngoại còn vì các hãng thuốc ngoại sẵn sàng trả “hoa hồng” cho bác sĩ kê đơn cao hơn nhiều các hãng thuốc nội. Ông Phúc cho biết, tại BV chưa phát hiện trường hợp nào sai phạm trong vấn đề này song trên thực tế, không chỉ ở BV này mà tại các BV khác chắc chắn khó tránh khỏi có những trường hợp như vậy.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai phân tích, lý do quan trọng nhất để bác sĩ lựa chọn kê đơn thuốc là chất lượng, là thông tin về các loại thuốc. “Với tôi thuốc nội, ngoại không quan trọng. Quan trọng là khi người bác sĩ kê đơn phải biết thuốc đó nguồn gốc ở đâu, công ty, nhà máy đó đạt được tiêu chuẩn gì. Không thể cứ nói thuốc Việt tốt, chất lượng tương đương là tin được mà các công ty dược phải cho bác sĩ thông tin để thuyết phục bác sĩ thấy thuốc đó là tốt…” - ông Dũng cho biết.

Thống kê của Bộ Y tế chỉ ra, trong số hơn 13.000 mặt hàng thuốc trúng thầu vào các BV công lập trực thuộc Bộ Y tế năm 2012, tỷ lệ thuốc nội trúng thầu thấp hơn nhiều so với thuốc ngoại và giá thuốc nội - ngoại cũng chênh nhau rất lớn. Điều đáng nói, có những loại thuốc có cùng hoạt chất, tác dụng tương đương nhau nhưng thuốc ngoại vẫn có giá trúng thầu cao hơn. Mặt khác, có những thuốc trong nước sản xuất có chất lượng ngang bằng thuốc ngoại nhưng không được trúng thầu. 

Vai trò của bác sĩ là quyết định!

Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam của BV các tuyến vào năm 2010 chiếm 38,7%, tăng so với năm 2009 (38,2%). Một khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế chỉ ra, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam (tính theo tỷ trọng tiền thuốc) ở tuyến trung ương chỉ khoảng 10%, tuyến tỉnh trên 40% và cao nhất là tuyến huyện đạt trên 50%. Điều này phản ánh thực tế là cơ sở khám chữa bệnh càng tuyến trên thì sử dụng thuốc sản xuất trong nước càng ít. 

Thực tế năng lực sản xuất thuốc trong nước là khá lớn và có khả năng đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân. Vậy nhưng trước sức ép cạnh tranh ghê gớm của thuốc ngoại, nhiều nhà máy sản xuất thuốc đã được đầu tư hiện đại nhưng vẫn chỉ hoạt động cầm chừng. Theo các chuyên gia dược phẩm, hiện các nhà máy sản xuất thuốc của Việt Nam mới chỉ hoạt động trung bình đạt 47% công suất và hoàn toàn có thể sản xuất ra sản lượng thuốc gấp đôi hiện nay nếu như chiếm lĩnh được thị trường. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, cả nước hiện có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc song thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu điều trị, còn lại do thuốc ngoại nhập chiếm lĩnh. Tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước đang được cải thiện dần và theo ông Cường, để thuốc nội được sử dụng nhiều hơn nữa thì vai trò của bác sĩ là quyết định, bởi bác sĩ chính là người trực tiếp kê đơn, trực tiếp chỉ định cho người bệnh dùng thuốc nội hay ngoại.