Thuốc thử đắt giá

(ANTĐ) - Việc Thủ tướng Silvio Berlusconi thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về một loạt chính sách quan trọng của chính phủ đã càng làm cho ông mất thêm uy tín đối với cử tri Italia.
Cuộc trưng cầu ý dân ngày 13-6 được xem là liều thuốc thử với Thủ tướng Berlusconi khi những chính sách mà chính phủ do ông đứng đầu “đặt cược” vào đó để đưa ra lấy ý kiến người dân. Những chính sách quan trọng này bao gồm kế hoạch tư nhân hoá ngành nước, chính sách khôi phục điện hạt nhân và một dự luật cho phép Thủ tướng được hưởng quyền miễn truy tố trong thời gian tại nhiệm.
Thuốc thử đắt giá ảnh 1
Đông đảo người dân Italia xuống đường mừng kết quả trưng cầu dân ý
Tuy nhiên, trái với trông đợi của Thủ tướng Berlusconi, đại đa số người dân Italia đã bác bỏ những chính sách do chính phủ đề xuất. Trong đó, bị phản đối mạnh nhất là dự luật cho phép thủ tướng và các bộ trưởng được hưởng quyền miễn truy tố và tiếp đó là các dự luật liên quan tới tư nhân hoá ngành nước và khôi phục điện hạt nhân. Thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu ý dân về các chính sách quan trọng của chính phủ là thất bại thứ hai liên tiếp của ông Berlusconi chỉ trong vòng có nửa tháng qua. Trước đó, phe trung hữu cầm quyền của Thủ tướng Berlusconi cũng đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương vòng hai, tổ chức trong hai ngày 29 và 30-5. Sau khi có kết quả chính thức của cuộc bầu cử trên, nhiều nhà phân tích đã cho rằng thất bại này của phe trung hữu sẽ làm suy yếu hơn nữa Thủ tướng Berlusconi. Đặc biệt trong bối cảnh uy tín của ông bị sụt giảm nghiêm trọng vì đang phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng, hối lộ, mua dâm gái vị thành niên và lạm dụng quyền lực. Thất bại trong cuộc bầu cử địa phương cũng gây chia rẽ trong nội bộ liên minh trung hữu cầm quyền, giữa đảng Nhân dân Tự do (PDL) của Thủ tướng Berlusconi và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN), đối tác chính trong liên minh cầm quyền. Thậm chí có nhà quan sát đã  nhận định rằng thất bại này có thể dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử sớm tại Italia và nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào năm tới. Việc đại đa số người dân Italia quay lưng lại với Thủ tướng Berlusconi trong cuộc trưng cầu ý dân làm lung lay thêm vị thế của ông trên chính trường. Áp lực càng đè nặng khi ông Berlusconi đang phải loay hoay chống đỡ với đủ loại sức ép, từ những cáo buộc về luật pháp cho đến chính trị và dư luận. Ngay sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, phe đối lập đã lớn tiếng kêu gọi Thủ tướng Berlusconi từ chức. Theo lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) Pier Luigi Bersani nhấn mạnh, kết quả trưng cầu ý dân là bằng chứng rõ ràng cho thấy “một cuộc khoảng hoảng chính trị” và chính phủ đã bị mất lòng tin trong người dân. Để giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay, theo ông Bersani, chỉ có cách là Thủ tướng Berlusconi và các bộ trưởng nên từ chức để “chuyển giao các vấn đề“ cho Tổng thống Giorgio Napolitano. Điều này có nghĩa là giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Berlusconi đã bác bỏ đòi hỏi của phe đối lập. Thủ tướng Berlusconi tuyên bố ông sẽ tiếp tục ở nguyên vị trí cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2013.