Thuốc nội khó chen chân vào bệnh viện

ANTĐ - Thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước hiện đã chiếm xấp xỉ 50% tổng trị giá thị trường. Tuy nhiên trên thực tế, thuốc nội được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường tự do và các BV tuyến dưới, còn ở các BV tuyến Trung ương thì tỷ lệ kê đơn, sử dụng thuốc nội mới chỉ chiếm… trên dưới 10%.

Sản xuất thuốc tại Công ty dược phẩm Trung ương 1

Bế tắc đầu ra

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, công nghiệp dược nội địa vài năm gần đây đã có bước phát triển với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất). Nhiều sản phẩm dược của Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước trong khu vực và thế giới. Rất nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã chọn những nhà máy sản xuất thuốc trong nước để sản xuất nhượng quyền hoặc gia công sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị thu được từ thuốc nội địa sử dụng ở các BV cũng như thị trường tự do đều chưa cao, hiện mới đạt xấp xỉ 48% tổng trị giá thị trường, nghĩa là vẫn còn hơn 50% tổng số tiền mua thuốc chi cho thuốc ngoại nhập.

Đáng chú ý, trong số 48% nói trên thì đa phần là tiền tiêu thụ thuốc trên thị trường tự do và các BV tuyến dưới, trong khi tỷ lệ thuốc trúng thấu vào các BV tuyến Trung ương cũng như tỷ lệ thuốc được kê đơn, sử dụng ở tuyến này rất hạn chế. TS Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Quản lý giá thuốc – Cục Quản lý Dược cho biết, hiện số thuốc nội trúng thầu và được kê đơn, sử dụng ở các BV tuyến huyện chiếm khoảng 62%, lên đến BV tuyến tỉnh giảm xuống gần một nửa, chỉ còn 34%. Đặc biệt, ở BV tuyến Trung ương, tỷ lệ thuốc nội được kê đơn, sử dụng chỉ chiếm 11,9%, nhiều BV chuyên khoa còn có mức tiêu thụ thấp hơn nữa. Chẳng hạn tại BV Nhi Trung ương, theo PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV, tỷ lệ thuốc nội trúng thầu và được kê đơn, sử dụng ở BV mới chiếm tỷ lệ khoảng 10%. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 175 doanh nghiệp sản xuất thuốc, ngoài ra có 120 cơ sở sản xuất đông dược. Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế cho biết, hệ thống sản xuất này đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước. Tuy nhiên theo tính toán, các nhà máy sản xuất thuốc trong nước hiện mới hoạt động được một nửa công suất. Trên thực tế, năng lực sản xuất thuốc trong nước là khá lớn và có khả năng đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc chữa bệnh của người dân nếu như tìm được đầu ra.

Chưa chiếm được lòng tin

Không phủ nhận có nhiều thuốc nội hiện nay đã đạt chất lượng tương đương thuốc ngoại trong khi giá cả rẻ hơn hẳn, tuy nhiên theo các chuyên gia thì số lượng này chưa nhiều. Hơn nữa, thuốc sản xuất trong nước vẫn chủ yếu là các loại thông dụng, thuốc generic (thuốc gốc), số mặt hàng hạn chế, chất lượng và mẫu mã cũng chưa tốt. Vì thế, dù chính sách hiện nay có nhiều ưu tiên cho thuốc nội nhưng thuốc nội vẫn bị thuốc ngoại lấn át. TS Nguyễn Thành Lâm phân tích, trong Luật Đấu thầu có mục riêng về đấu thầu thuốc, giao Bộ Y tế ban hành danh mục những thuốc nào trong nước sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu thì không được nhập thuốc ngoại. Thế nhưng việc ban hành danh mục này chỉ có thể thực hiện được khi bản thân các doanh nghiệp dược trong nước đã đảm bảo về nguồn thuốc, chất lượng thuốc và các bác sĩ cũng tin tưởng vào chất lượng thuốc đó. 

Vẫn biết vai trò của bác sĩ trong việc đưa thuốc nội vào BV là yếu tố quyết định bởi người bệnh không tự ra quyết định chọn thuốc, tuy nhiên bác sĩ sẽ chỉ kê đơn thuốc nội khi họ thấy tin tưởng vào chất lượng của thuốc. PGS.TS Lê Thanh Hải thẳng thắn chỉ ra, loại bỏ yếu tố tâm lý “sính ngoại” thì niềm tin của người dân và cả y bác sĩ vào chất lượng thuốc nội hiện chưa cao. “Chỉ khi nào bác sĩ kê đơn thuốc cho con cháu mình, cho người nhà của mình các loại thuốc nội thì khi đó mới có thể nói thuốc nội đã thực sự chiếm được niềm tin. Và để làm điều này, để đưa được thuốc nội vào BV nhiều hơn, tất cả phụ thuộc vào vai trò của các nhà sản xuất thuốc trong nước” - Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để thuốc nội phát triển thì thời gian tới, ngoài các giải pháp về cơ chế chính sách, thương mại, cần có giải pháp về kỹ thuật. Các nhà sản xuất dược phẩm trong nước cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, phải chứng minh được rằng thuốc nội có chất lượng cao, hình thức đẹp không thua kém gì thuốc ngoại nhập trong khi giá thành lại rẻ hơn, phù hợp với phần lớn người dân Việt Nam. Theo Bộ trưởng, đây là một chặng đường dài và đầy gian nan nhưng bắt buộc phải làm.

Mỗi năm sẽ tôn vinh 100 sản phẩm thuốc nội 

Ngày 20-12, tại Hà Nội, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã công bố chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Theo đó, mỗi năm chương trình này sẽ bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt có chất lượng tốt, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng và được nhân dân tin cậy.