Thuốc nhập 4,5 triệu đồng/ hộp, đến tay dân giá lên...14 triệu đồng

ANTĐ - Góp ý vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 25-3, nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại trước tình trạng độc quyền nâng giá thuốc, đặc biệt là có quá nhiều đầu mối trung gian phân phối thuốc, khiến giá thuốc khi đến tay người tiêu dùng bị đội lên cao gấp nhiều lần. Trong khi đó, thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn còn nhiều.

Thuốc nhập 4,5 triệu đồng/ hộp, đến tay dân giá lên...14 triệu đồng ảnh 1

Quá nhiều trung gian trong phân phối thuốc dẫn đến giá thuốc đội lên cao khi đến tay người tiêu dùng

Lòng vòng đẩy giá thuốc, chết dân

Thẳng thắn chỉ ra trong lĩnh vực quản lý cấp phép kinh doanh dược hiện còn rất nhiều nhiêu khê, tiêu cực, ĐB Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nêu rõ, bà không đồng tình với giải trình Luật Dược (sửa đổi) cho rằng, không thể hạn chế số đăng ký trên một hoạt chất do chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Nếu như chúng ta hạn chế được số đăng ký đã quá nhiều như hiện nay, kết hợp với hạn chế bằng hàng rào kỹ thuật thì đây sẽ là giải pháp để giảm được tình trạng tồn đọng hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc. Khi tồn đọng quá nhiều thì sẽ có doanh nghiệp được giải quyết trước, doanh nghiệp được giải quyết sau, sẽ nảy sinh cơ chế xin cho, tạo bức xúc và xuất hiện tiêu cực” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan phân tích.

Một trong những nội dung khác mà ĐB Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ rằng bà rất bức xúc, đó là phần quy định về quản lý giá thuốc. Theo ĐB, cần hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc, chống độc quyền nâng giá thuốc, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc vì thực tế hiện nay ở nước ta mạng lưới này đang quá dư thừa với gần 2.000 công ty phân phối.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: “Một loại thuốc dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước nhưng phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì khi đến tay người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên cao. Về phía bệnh viện cũng phải triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế tiêu cực trong kê đơn. Nếu không khắc phục được thực trạng này thì chết người bệnh nghèo”.

Chung mối băn khoăn này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho biết, trong Luật Dược không có quy định nào về độc quyền nhập khẩu thuốc nhưng trên thực tế, tình trạng này lại đang tồn tại. Việc độc quyền nhập khẩu thuốc và để thuốc đi lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian đã làm giá thuốc bị đẩy lên.

Dẫn ví dụ cụ thể về thuốc điều trị viêm gan C, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết, giá nhập khẩu thuốc này ở các nhà thuốc lớn chỉ khoảng 200USD/hộp (tương đương khoảng hơn 4,5 triệu đồng), trong khi đó, người dân đang phải mua với giá 14 triệu đồng/hộp. “Thật là vô lý khi dân ta còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy” - ĐB Nguyễn Sỹ Cương bức xúc.

Uống bã thuốc, sao khỏi được bệnh?

Đóng góp ý kiến về vấn đề sử dụng dược liệu, ĐB Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn bạc. “Hiện nay, dược liệu của Việt Nam đa số là nhập của nước ngoài. Đáng nói là trình độ của chúng ta không có đủ khả năng kiểm soát chất lượng nguồn dược liệu này. Thế nên, dược liệu nhập chủ yếu là các loại dược liệu đã bị chiết suất hoạt chất, các chất dược liệu tốt nhất đã được chiết suất ra để bán ở nước bạn, sau đó họ mới chiết suất lần 2, lần 3 để xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4, 1/3 giá dược liệu trong nước. Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã đấy thì làm sao khỏi được?” - ĐB Nguyễn Văn Tiên băn khoăn.

Nhấn mạnh nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu, ĐB Nguyễn Văn Tiên phân tích: “Hiện ở các vùng trồng dược liệu trong nước, nhân dân hoàn toàn có thể đáp ứng và doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng mua của dân nhưng khi đấu thầu không cạnh tranh được với dược liệu nhập khẩu vì giá của họ rẻ, khiến dược liệu trong nước trồng ra bán không ai mua. Vì vậy, tôi đề nghị nên chỉ định thầu, như thế có lợi cho người dân, doanh nghiệp và lợi cho cả người bệnh trong nước”.

Ngoài ra, quy định về quản lý quảng cáo thuốc trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cũng được nhiều ĐBQH rất quan tâm. ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) bày tỏ bức xúc với tình trạng thực phẩm chức năng quảng cáo thổi phồng sự thật rất phổ biến hiện nay. “Nhiều người nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc, nên tiền mất tật mang. Thực phẩm chức năng mà quảng cáo như thần dược, chưa kể lại được sự hỗ trợ, giúp sức của các bác sỹ khiến dân không biết đâu mà lần” - ĐB Bùi Văn Phương nói. ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng trong Luật Dược phải có chương riêng về quản lý thực phẩm chức năng, mỹ phẩm vì đang có khoảng trống về cơ sở pháp lý để quản lý. 

Tin cùng chuyên mục