Thuốc lá "lách luật" bằng quảng cáo trá hình

ANTĐ - Theo ý kiến của các vị đại biểu, cần hạn chế tối đa hoạt động trưng bày thuốc lá thì hoạt động phòng chống thuốc lá mới có hiệu quả.
Kiên quyết xử lý nhập lậu và quảng cáo trá hình
Một vấn đề được các vị đại biểu quan tâm đó là vấn đề trưng bày thuốc lá. Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, việc quảng cáo thuốc lá bị cấm, nhưng quy định về việc cho phép trưng bày chưa chặt chẽ dẫn đến nhà sản xuất “lách luật”.

Theo đại biểu Điểu K` Rứ (Đắk Nông), cần hạn chế tối đa hoạt động trưng bày thuốc lá thì hoạt động phòng chống thuốc lá mới có hiệu quả.
Vị đại biểu này phân tích, nếu cho phép trưng bày 1 bao/1 tút của một sản phẩm, nhãn hiệu thuốc lá thì một cửa hàng bán lẻ sẽ trưng bày hàng chục loại sản phẩm khác nhau. Việt Nam ta hiện có hàng trăm nhãn hiệu thuốc lá và sẽ có hàng ngàn sản phẩm thuốc lá được phép trưng bày tại một điểm bán. Như vậy hàng ngàn điểm bán lẻ trên các đường phố Việt Nam sẽ có hàng trăm ngàn điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá.

Với dự Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chỉ quy định cấm trưng bày quá 1 bao/1 tút của một sản phẩm, nhãn hiệu thuốc lá tỷ lệ vi phạm còn hơn nhiều. Như vậy mặc dù trong dự thảo chúng ta có quy định cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức nhưng các công ty sẽ lợi dụng kẽ hở này để quảng cáo tràn lan các sản phẩm thuốc lá. Cấm quảng cáo thuốc lá nhưng không cấm trưng bày thuốc lá, ở điểm bán thì được trưng bày thuốc lá là hình thức quảng cáo xảy ra phổ biến nhất....
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cũng đề nghị nên quy định chặt chẽ và hạn chế hơn nữa vấn đề trưng bày thuốc lá.

Đối với việc xử lý buôn lậu thuốc lá, đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (TP.HCM), cần tăng mức phạt trong trường hợp nhập lậu, nhập trái phép thuốc lá, không những xử lý vi phạm hành chính mà có thể lên tới xử lý hình sự đồng thời phải tiêu hủy, không tái xuất thuốc lá nhập lậu vì nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến việc nhập lậu thuốc lá diễn ra nhiều hơn. 
Đồng ý với ý kiến của bà Loan, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, nên tiến hành biện pháp tiêu hủy đối với thuốc lá nhập lậu, chứ không nên tái xuất. 
Thuốc lá "lách luật" bằng quảng cáo trá hình ảnh 1
ảnh minh họa

Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá: Nên theo phương án nào?

Trong phiên thảo luận, còn có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Theo đó, có một số đại biểu nhất trí với phương án 1 là hàng năm ngân sách cấp một khoản kinh phí tối đa bằng 2 phần trăm (%)  tổng số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá...., một số đại biểu khác lại nhất trí với phương án 2 cho rằng, khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng với thu thuế tiêu thụ đặc biệt do doanh nghiệp tự khai tự nộp vào tài khoản của Quỹ.

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, nên theo phương án hai, bởi trên quan điểm nguồn thu của quỹ này phải từ những người sản xuất và sử dụng thuốc lá như một sự đền bù cho cộng đồng, chứ chúng ta không thể lấy từ nguồn thu ngân sách. Vì như vậy những người lao động bình thường đã phải chịu tác hại của việc hút thuốc lá thụ động mà lại còn phải đóng góp thêm thì rất bất hợp lý.
Cùng luồng ý kiến này, với tư cách đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vương Đình Huệ cho rằng: phương án thứ nhất có thể gặp những khó khăn và bất cập vì phòng, chống tác hại thuốc lá không hoàn toàn chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, người sử dụng, doanh nghiệp thuốc lá cũng phải có trách nhiệm trực tiếp tham gia. Việc trích từ thuế là ngân sách Nhà nước không hoàn toàn nâng cao được ý thức trách nhiệm của người sử dụng thuốc lá, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc lá đối với sức khỏe của nhân dân cũng dễ dẫn đến cách hiểu là Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả thay cho những người sử dụng thuốc lá và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá.
Thuế thuốc lá hiện nay ở nước ta mới chiếm 45% của giá bán, trong khi nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ khoảng 60% - 65%, do đó, theo ông Huệ, phương án hai là khoản đóng góp bắt buộc này có tính bồi hoàn của doanh nghiệp và người sử dụng thuốc lá để chi cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cũng như nâng cao sức khỏe cộng động, làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá mà không làm ảnh hưởng đến ngân sách. 
Trong thực tế quá trình thảo luận luật, các cơ quan hữu quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương, thậm chí cả Hiệp hội thuốc lá Việt Nam và phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đều đồng tình và cam kết đóng góp vào quỹ.

Bên cạnh những nội dung chính trên, nhiều đại biểu cũng nhất trí việc in cảnh báo nồng độ các chất độc hại trong thuốc lá (nhất là các chất gây ung thư) nhằm tác động tới tâm lý người tiêu dùng. Đáng chú ý, có đại biểu còn đề xuất, cần bổ sung quy định cấm "xé" lẻ thuốc lá ra để bán vì theo ông, dù nâng giá thuốc lá nhưng nếu bán lẻ từng điếu, người có thu nhập thấp vẫn có thể dễ dàng mua và sử dụng...

Sau phiên thảo luận ngày hôm nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá  vào ngày 18-6-2012.

Tin cùng chuyên mục