Thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe: Bộ Y tế cần sớm vào cuộc

ANTĐ - Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “thuốc lá điện tử” chúng ta sẽ có ngay 6,05 triệu kết quả, hầu hết là quảng cáo bán thuốc lá điện tử (TLĐT) và các phụ kiện. Trong đó nhiều trang quảng cáo có tên rất đáng lo lắng, hướng tới lớp trẻ như: TLĐT đẳng cấp 9X, TLĐT của dân chơi… Số lượng kết quả tìm kiếm này cho thấy TLĐT đang được quảng cáo chào bán mạnh trên các trang mạng của Việt Nam. 

(Nguồn: Internet)

Bộ sản phẩm TLĐT được quảng cáo với đầy đủ phụ kiện gồm: điếu thuốc với chip điện tử, đầu lọc, sạc pin, lọ tinh dầu. Người sử dụng sau khi mua về chỉ cần đổ tinh dầu vào điếu thuốc là có thể phì phèo... nhả khói.  Tuy độ phổ biến trong đời sống còn thấp, song do chưa có nhiều tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn cũng như nghiên cứu về loại thuốc lá vốn được coi là để cai nghiện thuốc lá này nên dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn. Ngày 14-4 vừa qua, tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã chứng kiến một cuộc cãi cọ mà căn nguyên là do TLĐT. Tại sảnh chờ phòng khám, một ông bảo vệ mặt đỏ gay cương quyết đuổi một thanh niên ra khỏi phòng khám. Lý do là mặc dù đã có quy định cấm hút thuốc lá tại các cơ sở y tế anh ta vẫn phì phèo đốt thuốc trong sảnh phòng khám. Nhưng anh thanh niên quyết không ra. Anh chìa điếu thuốc cho mọi người xem và phân bua: Tôi hút TLĐT không có hại cho mọi người xung quanh và cũng không có quy định cấm hút TLĐT nơi công cộng. Chỉ đến khi nhiều người phản đối và trước sự cương quyết của ông bảo vệ, anh ta mới buộc phải đi ra ngoài. 

Vậy TLĐT là gì, có hại cho sức khỏe hay không?

Thực tế, TLĐT vẫn là thuốc lá. Người ta hút thuốc lá là để tiếp thêm chất nicotin vào cơ thể nhằm tạo ra sự sảng khoái. Nicotin cũng là thành phần chính trong nhựa cây thuốc lá, thuốc lào... Tuy nhiên, khi hút thuốc lá dưới hình thức đốt sợi lá thuốc thì cùng với nicotin người hút thuốc cũng hít vào phổi thêm 4.000 loại hóa chất khác với tỉ lệ khác nhau, trong đó có CO (oxid carbon, là khí rất độc với lượng nhỏ), các chất gây ung thư (có nhóm benzopyren gây ung thư phổi, da, bàng quang). Riêng nicotin chính là chất gây nghiện và có hại cho tim mạch của người hút thuốc. Trong cố gắng tránh những tác hại của việc hút thuốc lá, nhiều biện pháp đã được nghiên cứu, thử nghiệm, trong đó có TLĐT.

TLĐT được phát minh bởi dược sĩ người Trung Quốc Hon Lik và được cấp bằng sáng chế năm 2003. Nó được giới thiệu lần đầu tiên ở thị trường Trung Quốc và cho đến thời điểm hiện tại thì được bán ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới nhằm thay thế thuốc lá đốt sợi thuốc. Nếu là một điếu thuốc lá bình thường thì quy trình sử dụng sẽ là châm lửa, hít và nhả khói. Người sử dụng hít khói vào để hít một lượng nicotin. Người dùng TLĐT hít chất khí một cách thông thường như đối với thuốc lá thường. Tim của điếu TLĐT là một mạch vi xử lý, có nhiệm vụ kích hoạt một bộ phận phun hỗn hợp hơi nước khi có kích thích hít vào bởi người sử dụng. Hỗn hợp hơi nước này sẽ được đẩy ra dưới dạng hơi và được hít vào bởi người sử dụng thông qua một bộ phận lọc (Rechare de Nicotin). Tại phần đầu lọc, hỗn hợp khí sẽ được hòa với một hỗn hợp tạo mùi và vị, cộng thêm một lượng nicotin phù hợp. Tất cả các hoạt động trên được đảm bảo bởi một bộ nguồn nằm ở phần thân trước điếu thuốc. Như vậy hút thuốc điện tử cũng nhằm cung cấp cho người hút một lượng nicotin nhất định.

Và như vậy bản chất TLĐT cũng giống như thuốc lá thường. Khác biệt là trong khói TLĐT không có mặt 4.000 hóa chất độc hại như thuốc lá đốt sợi thuốc. Chất lỏng hoặc còn gọi là “nước cốt khói” trong các hộp thường là Propylene Glycol. Người tiêu dùng có thể mua loại hộp chất lỏng tùy thích, có thể ít, nhiều hay không chứa nicotin. Nhà sản xuất thường thêm hương liệu vào chất lỏng, đó có thể là tinh dầu hương vị bạc hà, chocolate, cà phê, táo, anh đào hay caramel. Người tiêu dùng cũng có thể mua riêng chai chất lỏng và đổ đầy hộp của mình. Điều này làm giảm chi phí sử dụng, nói chung là hút thuốc điện tử bình dân đỡ tốn kém hơn so với thuốc bình thường. Theo quảng cáo trên mạng, thiết bị hút thuốc (điếu thuốc điện tử) có giá từ 980.000 đồng đến 2.500.000 đồng, hộp “nước cốt” (tinh dầu và nicotin) có giá từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng với mỗi hộp “nước cốt”, người hút TLĐT có thể dùng trong một tháng.

Có lợi cho sức khỏe hay không?

Có vẻ tốt hơn chăng? Không hẳn thế. Dù những nhà sản xuất luôn khẳng định TLĐT có lợi cho sức khỏe nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa có bằng chứng xác thực nào chứng minh điều này. Kiểm soát chất lượng là một trong những vấn đề chính mà các chuyên gia y tế lưu ý với TLĐT. Họ lập luận rằng, các nhà sản xuất có thể không tiết lộ tất cả các thành phần hóa học được sử dụng trong các sản phẩm. Điều này có nghĩa là người sử dụng không thể biết chính xác cái thứ tinh dầu mà họ hít vào là những gì. Đấy là chưa kể khi dùng TLĐT, người hút vẫn hít một lượng nicotin và sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiếp xúc với nicotin lâu dài.

Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã tiến hành một nghiên cứu vào năm 2009. Họ phân tích 1 mẫu của hộp chất lỏng nicotin từ 2 nhà sản xuất. Kết quả cho thấy rằng, hàm lượng nicotin trong đó không phải lúc nào cũng phù hợp với số liệu ghi trên nhãn. Nghiên cứu cũng cho thấy một số hộp dán nhãn không có nicotin, nhưng thực tế là có nicotin. Một số hợp chất gây ung thư trong thuốc lá cũng đã được tìm thấy trong vài hộp thuốc lá điện tử. Một trong các chất độc được tìm thấy là Diethylene Glycol - một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông. Nhiều chuyên gia y tế nói rằng, các nhà sản xuất TLTĐ đã không tiến hành các nghiên cứu cần thiết. Trong đó, nghiên cứu kết luận rằng bởi vì TLĐT làm tăng nồng độ khí CO trong máu, nó không thể là một lựa chọn an toàn hơn thuốc lá.

WHO cho rằng, không có đủ bằng chứng cho thấy TLĐT là an toàn, FDA cũng đã cảnh báo về sự thiếu an toàn của TLĐT. Chính vì vậy nhiều nước trên thế giới vẫn không cho phép mua bán và sử dụng TLĐT như Australia, Canada, Brazil… Ngay ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng chưa cho phép nhập khẩu và kinh doanh TLĐT. Thế nhưng điều đáng nói là TLĐT vẫn đang được buôn bán công khai.

Buôn bán TLĐT trái phép

Do chưa được phép nhập khẩu và kinh doanh, TLĐT chỉ được bán trên mạng, hoặc qua điện thoại. Chúng tôi đã liên hệ qua 1 trang mạng cung cấp TLĐT xin được mua buôn về bán tại cửa hàng. Đại diện của hãng cung cấp đã thẳng thắn: Hiện nay Việt Nam chưa cho phép kinh doanh TLĐT cho nên bạn không thể mua sỉ về bán công khai tại cửa hàng được. Nếu bạn có nhu cầu xin chuyển tiền trước, chúng tôi sẽ có người vận chuyển hàng đến tay bạn. Theo những người đã mua TLĐT, sau khi chuyển tiền sẽ có người mang hàng tới. Người mua chỉ cần nhận hàng, thử hàng và ký vào tờ giấy đã nhận hàng. Không ai biết địa chỉ của người bán hàng. Tuy nhiên theo những người đã mua hàng, mặc dù có rất nhiều hãng khác nhau nhưng tất cả đều là hàng Trung Quốc, các loại TLĐT cũng không có chứng nhận chất lượng và bảo hành sản phẩm. Bộ Y tế cần sớm vào cuộc để công bố cho người tiêu dùng Việt Nam biết cụ thể về tính năng, tác dụng, tác hại của TLĐT.

Bác sĩ Ngô Văn Kha, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương cảnh báo: TLĐT bơm nicotin vào phổi và vì vậy vẫn gây nghiện như mọi loại thuốc lá khác. Nhiều thanh thiếu niên dùng TLĐT như đồ chơi sĩ diện cuối cùng thành nghiện thuốc lá. Chính kiểu tiếp thị: “TLĐT rất an toàn so với hút thuốc lá thật!”, và hình ảnh giới thiệu người hút TLĐT có thể hút ở mọi nơi cấm hút thuốc do không tạo ra khói thuốc thật, làm cho giới trẻ chưa từng hút thuốc lá bị hấp dẫn và tập hút. Nhiều người nghĩ rằng dùng TLĐT để cai nghiện thuốc lá cuối cùng lại nghiện TLĐT. Bác sĩ Kha còn cho biết, trong một nghiên cứu của Giáo sư Polosa và cộng sự (Mỹ) thử trên 40 người nghiện thuốc tình nguyện hút TLĐT có 22% người bỏ thuốc lá thật nhưng hầu hết tiếp tục hút thuốc lá điện tử. Chính bác sĩ Ira J. Strumpf, phát ngôn viên của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc là TLĐT được quảng cáo không chỉ nhắm đến đối tượng cai thuốc lá mà còn cho số lượng đông đảo người trước kia chưa hề hút thuốc. Do chưa được phép nhập khẩu nên tại Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào về TLĐT nhưng theo những tài liệu nước ngoài TLĐT không phải là sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người. 

PGS. TS Luật học Phạm Hồng Hải: Quảng cáo và bán TLĐT đã vi phạm pháp luật

Thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe: Bộ Y tế cần sớm vào cuộc ảnh 2

Theo các quy định pháp luật hiện hành, việc buôn bán các mặt hàng không nằm trong danh mục được phép nhập khẩu kinh doanh là vi phạm Luật Hình sự thuộc tội danh: Kinh doanh trái phép. Thêm nữa theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các hành vi quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm, hành vi kinh doanh TLĐT cũng vi phạm luật này. Vì sức khỏe con người cần sớm nghiêm cấm mọi hình thức quảng cáo, kinh doanh TLĐT. Thanh tra Bộ Y tế cần sớm vào cuộc.