Thuốc điều trị ung thư "made in Việt Nam" vẫn đang thử nghiệm

ANTĐ - Vài ngày gần đây, thông tin nhóm nghiên cứu tại Bộ môn Bào chế - trường Đại học Dược Hà Nội điều chế thành công thuốc chữa ung thư  và cho kết quả khả quan khi thử nghiệm trên chuột nhận được rất nhiều sự quan tâm. Song đến bao giờ loại thuốc này mới được sản xuất, sử dụng vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Thuốc điều trị ung thư "made in Việt Nam" vẫn đang thử nghiệm ảnh 1Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện K Trung ương

Giá rẻ hơn thuốc Mỹ

Thuốc điều trị ung thư “made in Việt Nam” nói trên là sản phẩm từ công trình nghiên cứu “Điều trị đích trong điều trị ung thư bằng công nghệ nano liposome” - một trong những đề tài nghiên cứu nổi bật của Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước lĩnh vực y dược do nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Dược Hà Nội và Học viện Quân y phối hợp nghiên cứu.

Theo PGS.TS Phạm Thị Minh Huệ, Chủ nhiệm Bộ môn Bào chế, trường Đại học Dược Hà Nội - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này, hiện nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ sản xuất thuốc điều trị ung thư và kháng nấm dạng tiêm liposome doxorubicin và amphotericin B thế hệ mới (thuốc hướng đích) ở quy mô phòng thí nghiệm. So với các loại thuốc điều trị ung thư khác, điểm mới ở sản phẩm này đó là công nghệ nanolyposone giúp hoạt chất diệt ung thư được đưa đến trúng “đích” là khối u ác tính để tiêu diệt khối u hiệu quả, hạn chế tối đa các tác động của hoá chất lên những tế bào khỏe mạnh xung quanh. 

Được biết, việc thí nghiệm thuốc trên chuột mang khối u của người (chuột được nuôi cấy khối u có tế bào ung thư của người) đã cho kết quả khả quan. Khi sử dụng thuốc trên cơ thể chuột mang khối u tiền liệt tuyến, đại tràng, phổi, cổ, lưỡi… của người, các thuốc trúng đích do Việt Nam bào chế đã làm khối u giảm đi rõ rệt, kéo dài thời gian sống của con vật, thậm chí kết quả còn vượt trội hơn cả chuột dùng thuốc ngoại. Đặc biệt, so với các sản phẩm thuốc của Mỹ được sản xuất với công nghệ tương tự, thuốc chữa ung thư do Việt Nam đang nghiên cứu bào chế có tiêu chuẩn chất lượng và tác dụng tương đương nhưng giá thành chỉ bằng 30% - 40%. 

PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, hiện đề tài này đã nộp cho Cục Khoa học Công nghệ - Bộ Y tế. Nếu được phê duyệt, dự kiến, nhóm nghiên cứu sẽ triển khai sản xuất thử nghiệm ở quy mô lớn và tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Hòa cũng nhấn mạnh, tất cả mọi nghiên cứu và thử nghiệm của loại thuốc này hiện vẫn mới ở giai đoạn áp dụng trên chuột, chưa thử nghiệm trên người.

Phát hiện sớm vẫn hơn

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề trên, TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ông mới chỉ biết đến thông tin về loại thuốc chữa ung thư “made in Việt Nam” thông qua truyền thông những ngày gần đây. Hiện nay, thế giới đã có nhiều nghiên cứu và sản xuất các thuốc điều trị đích nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính, việc các nhà khoa học Việt Nam có thể nghiên cứu bào chế thành công thuốc điều trị ung thư “trúng đích” là việc đáng khích lệ.

Theo TS Trần Đăng Khoa, mỗi một loại ung thư có một phác đồ điều trị riêng, một loại thuốc riêng; hiện tại tất cả các loại thuốc chữa ung thư, công nghệ chẩn đoán, điều trị ung thư mới nhất trên thế giới đều có đầy đủ ở Việt Nam, tất nhiên giá thành điều trị hết sức đắt đỏ.

“Về thông tin Việt Nam sản xuất được thuốc chữa ung thư, tôi xin không bình luận gì. Tôi đã đi thực tế tại khá nhiều cơ sở sản xuất thuốc ung thư lớn trên thế giới. Nhà máy sản xuất của họ có đội ngũ nhân sự lên đến hàng nghìn người chuyên nghiên cứu bào chế thuốc nhưng để nghiên cứu ra được 1, 2 loại thuốc chữa ung thư là hết sức khó khăn. Hơn nữa, với thuốc chữa ung thư, sau khi nghiên cứu thành công, cần phải qua nhiều chặng đường thử nghiệm, thử nghiệm lâm sàng với quy trình rất chặt chẽ, mất rất nhiều thời gian” - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia về ung thư cũng cho biết, từ việc bào chế và thử nghiệm thành công thuốc chữa ung thư “made in Việt Nam” trên chuột cho đến ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân phải trải qua một giai đoạn dài, có thể là 10 hoặc 15 năm, tối thiểu cũng phải mất 5 năm vì còn qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trên người.

Vì thế, việc các nhà khoa học Việt Nam tìm ra được phương thuốc chữa ung thư giúp người bệnh nghèo có cơ hội tiếp cận và được cứu sống có thể là tin vui của cả nền y học nước nhà, song từ giờ cho tới lúc sản xuất đại trà sẽ còn rất lâu. Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng và điều trị ung thư một cách hiệu quả, người dân cần phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị ung thư sớm, lúc đó việc điều trị mới đạt hiệu quả cao.