Thùng rác… thông minh

ANTĐ - Sự bùng nổ của các thiết bị và sản phẩm công nghệ những năm gần đây không chỉ thể hiện rõ tại các triển lãm, trung tâm mua sắm hay “chợ” điện tử mà còn cảm nhận được ở… bãi rác, bởi các bãi chôn lấp có nguy cơ quá tải thiết bị điện tử lỗi thời. Một tập đoàn ở Italia đã có sáng kiến giải quyết vấn đề thu gom, xử lý và tái chế chất thải công nghệ cao với thùng rác “thông minh”.

Sau giai đoạn thử nghiệm, nhiều người hy vọng chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng

Thùng rác công nghệ cao

Thùng rác “thông minh” Identis Weee là sản phẩm của dự án trị giá 4,6 triệu USD được EU hỗ trợ, do Tập đoàn Hera, Ecolight Consortium tại Italia và Quỹ Ecolum tại Tây Ban Nha phát triển với mục đích nhằm tăng gấp đôi khả năng thu gom các vật liệu như điện thoại di động, trò chơi điện tử, ti vi, máy tính và các thiết bị khác. Gọi là “thông minh” bởi các thùng rác này được thiết kế đặc biệt để giám sát chặt chẽ rác thiết bị điện và điện tử (WEEE) giúp cho quá trình xử lý hoặc tái chế hiệu quả hơn.

Theo số liệu gần đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 50 triệu tấn WEEE, và mới chỉ có khoảng 10% số đó được tái chế. Trong năm 2012, Italia thu được 240.000 tấn WEEE, tức khoảng 4 kg/người. Vùng Emilia Romagna đứng hàng thứ ba trong các địa phương của Italia có nhiều rác thải điện và điện tử nhất, với hơn 23.000 tấn, trung bình 5-6 kg trên đầu người. Đó là chưa kể 70% số rác thải công nghệ cao không được thu gom.

Những thùng rác thông minh đầu tiên đang trong giai đoạn thử nghiệm tại vùng Emilia Romagna, dự kiến đến cuối mùa hè 2013 mới kết thúc. Ở thủ phủ Bologna và nhiều vùng khác, thùng rác được đặt tại bãi đỗ xe của trung tâm mua sắm, dọc các phố lớn hoặc gần điểm tái chế giấy, nhựa và thủy tinh...

Trong giai đoạn thử nghiệm, gần 19.000 hộ gia đình đã được cấp thẻ từ đặc biệt để sử dụng thùng rác thông minh nhưng các thùng này cũng có thể được kích hoạt bằng thẻ bảo hiểm y tế thông thường. Khi dùng, người ta giơ mã vạch trước màn hình cảm ứng của thùng rác, một giọng nói vang lên hướng dẫn. “Sau phần nhận dạng, người sử dụng chọn loại rác thải cần phân loại theo chỉ dẫn, sau đó thùng sẽ mở ra”, ông Paolo Paoli, người đứng đầu bộ phận tích hợp và cải tiến kỹ thuật vì môi trường tại Tập đoàn Hera giải thích. 

Các thùng rác được kết nối qua mạng không dây hoặc mạng điện thoại di động với một trung tâm xử lý dữ liệu, toàn hệ thống còn có thiết bị kiểm tra trọng lượng hoặc mức độ lấp đầy của thùng rác. Sau đó, công đoạn dỡ, vận chuyển và xử lý WEEE đều được theo dõi và ghi lại rõ ràng.

Bảo vệ môi trường và sức khỏe

Dự án này nhằm ngăn chặn hậu quả đối với môi trường tự nhiên và sức khỏe con người do rác thải WEE có khả năng độc hại không được xử lý đúng cách. Chính các thùng rác thông minh có thể làm nên một sự khác biệt lớn, bởi nếu phân loại và thu gom đúng, chúng ta có thể tái chế và phục hồi tới 85-95% số chất thải đó.

Quá trình thu gom rác thải được truy xuất toàn diện nên tác động này còn mang tính toàn cầu bởi mặc dù luật pháp EU quy định khá chặt chẽ nhưng gần 75%, tương đương với 8 triệu tấn chất thải điện tử của châu Âu vẫn bị xuất khẩu bất hợp pháp sang các nước đang phát triển, nơi các quy định liên quan đến rác thải công nghệ cao còn lỏng lẻo.

Một lợi ích khác là WEEE còn chứa một số vật liệu có giá trị như vàng và bạc, có thể thu hồi và tái sử dụng trong các thiết bị mới, từ đó giảm tải cho hoạt động khai thác khoáng sản và khai thác mỏ khác.

Nhiều chuỗi bán lẻ lớn của Italia như Media World và IKEA đã tham gia vào dự án thí điểm này, với những thùng rác thông minh đặt trước cửa ra vào tại cửa hàng của họ. Vào cuối giai đoạn thử nghiệm, công dân nào tham gia tích cực nhất, tính bằng số lượng WEEE cho vào thùng rác thông minh nhiều nhất sẽ được thưởng phiếu mua hàng trả trước.