Thuế xăng dầu: Hai bộ đùn đẩy trách nhiệm, dân đóng thuế "oan"

ANTĐ - Trong khi vụ việc chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu dẫn tới người tiêu dùng phải đóng “oan” hơn 3.500 tỷ đồng tiền thuế còn chưa có phương án giải quyết khoản tiền này, thì ngày 23-3, Bộ Công Thương lại có văn bản gửi Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) về trách nhiệm của hai bên trong việc điều hành giá xăng dầu, dẫn tới lỗ hổng thuế phí trong cách tính giá cơ sở vừa qua.

Chậm sửa biểu thuế, người tiêu dùng chịu thiệt

Đáng chú ý, văn bản do ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ký có nhiều đoạn in đậm với ý nghĩa nhấn mạnh.

Trích dẫn điều 36 và điều 40 (điểm b, khoản 2), Nghị định số 83/2014/ NĐ- CP về kinh doanh xăng dầu, văn bản cho hay: “Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các chi tiêu cân đối vĩ mô và dự báo giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”; “Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn tính giá cơ sở”. 

Bộ Công Thương khẳng định, Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Theo điểm đ, khoản 1, điều 40 của Nghị định 83, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu. Nhưng để tăng tính công khai, minh bạch, thì Nghị định quy định, Bộ Công Thương phải căn cứ vào các mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, phương pháp cũng như các yếu tố đầu vào để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn.

“Với vai trò phối hợp liên quan đến chính sách thuế, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xăng dầu và Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần có công văn đề nghị Bộ Tài chính xử lý vấn đề này từ năm 2015. Các hoạt động phối hợp về xây dựng chính sách thuế trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương đã tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83” – Đại diện Bộ Công thương khẳng định.

Kèm theo thông tin này, Bộ Công thương cũng dẫn chứng cụ thể từng công văn đã gửi Bộ Tài chính về vấn đề trên. Tuy nhiên, ngày 21-3, trong cuộc trả lời phỏng vấn Bản tin Tài chính kinh doanh, ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế khi trả lời về trách nhiệm trong việc đưa ra mức thuế suất thuế nhập khẩu mới để làm căn cứ tính giá cơ sở, lại cho rằng “Bộ Công Thương vẫn được giao là Bộ chủ trì quyết định…”.

Ông Võ Văn Quyền cho rằng, phát biểu trên là chưa hiểu đúng chức năng nhiệm vụ của 2 bộ theo quy định tại Nghị định 83 trong việc chủ trì, xây dựng chính sách thuế và điều hành giá mặt hàng xăng dầu. “Đề nghị đồng chí Vụ trưởng Vụ chính sách thuế tích cực trao đổi thông tin với Tổ điều hành giá xăng dầu…”- công văn của Bộ Công thương nêu rõ.

Được biết, ngay sau khi có văn bản của Bộ Công thương, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan để làm rõ hơn ai chịu trách nhiệm về việc người mua xăng dầu mua xăng “lố” do cách tính thuế phí không đúng.

Trong khi chờ 2 bộ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì “món nợ” thu thuế oan hơn 3.500 tỷ đồng đối với người tiêu dùng vẫn chưa có phương án giải quyết.