Thuế và bảo hiểm xã hội "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp

ANTĐ - Mặc dù môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, số giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội giảm mạnh song vẫn xếp thứ hạng thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, tỷ lệ nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận vẫn còn ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%.

Thuế và bảo hiểm xã hội "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp ảnh 1

Tỷ lệ nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam

vẫn ở mức khá cao

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban môi trường kinh doanh, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ giúp năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 tăng lên.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 3 bậc, với 5/10 chỉ số được cải thiện, trong đó ghi nhận cải cách của Việt Nam về khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, chỉ số nộp thuế…

Trong đó, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giảm 102 giờ, cải thiện 4 bậc song vẫn xếp thứ hạng thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, tỷ lệ nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận vẫn còn ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%.

Các chuyên gia cho rằng, thuế suất của Việt Nam hiện vẫn đang còn cao. Đánh giá từ phía doanh nghiệp cho thấy, mặc dù mức độ phức tạp trong các quy định về thuế đã giảm đi nhưng vẫn là cản trở đối với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực, Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế thông tin thêm, năm 2016 Chính phủ mục tiêu cải cách để đạt mức ngang bằng các nước ASEAN 4.

Cụ thể là, nộp thuế và bảo hiểm xã hội là 168 giờ. Đặc biệt phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, đánh giá rủi ro, xử lý khiếu nại về thuế, khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và đất đai….

Mục tiêu đến năm 2020 là đạt mức trung bình ASEAN 3. Trong đó chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội là 155 giờ...