Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ lựa chọn mức tối ưu

ANTĐ - Hàng loạt câu hỏi liên quan tới vấn đề quản lý giá đối với các mặt hàng xăng dầu, sữa cũng như giãn giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính trả lời tại cuộc họp báo định kỳ Quý I do Bộ Tài chính vừa tổ chức. 

Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ lựa chọn mức tối ưu ảnh 1
Việc quản lý giá sữa gặp nhiều khó khăn vì tên gọi biến tướng

Giá sữa khó quản vì tên gọi 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trên cơ sở thông tin báo chí phản ánh Cục Quản lý giá đã đưa ra kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm có biện pháp quản lý giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. “Từ một tên gọi chung là sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng nay theo quy chuẩn của Bộ Y tế đã có các tên gọi khác nhau, bao gồm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thức ăn công thức có pha chế, thức ăn bổ sung… Vì vậy muốn quản lý tốt, trước hết cần rà soát lại theo 3 nội dung là tên gọi, chất lượng và giá cả. Trước mắt sẽ xem xét điều hành giá sản phẩm này dưới quy định sản phẩm sữa độ đạm trên 30% mới gọi là sữa, còn dưới là thức ăn bổ sung hoặc thực phẩm dinh dưỡng”, ông Tuấn nói.

“Trên cơ sở đó, kiến nghị với các bộ ngành xem xét, nếu mặt hàng này có ảnh hưởng lớn tới người dân thì đưa vào mặt hàng bình ổn giá”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan đến việc giá xăng chính thức giảm 500 đồng/lít về 24.050 đồng/lít và thông tin giá xăng tăng nhiều giảm “nhỏ giọt”, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định: “Mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu trong nước còn thấp hơn nhiều so với quy định nhưng để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp thì Nhà nước vẫn chưa khôi phục thuế suất mà thay vào đó quyết định  giảm giá. Cách điều hành như vậy là hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu”.

Riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Tuấn cho biết: “Cứ 3 tháng Cục Quản lý giá lại yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thông báo về tình hình quản lý quỹ và sử dụng quỹ một lần, thậm chí tổ chức kiểm tra đột xuất. Công tác điều hành quỹ hoàn toàn minh bạch. Tính đến 21-3, quỹ bình ổn đã âm hơn 430,9 tỷ đồng”.

Đã trình các phương án giãn, giảm thuế

Liên quan tới các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đã trình Chính phủ và Chính phủ  đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về một số giải pháp thuế. Trong đó, quyết định giảm 50% Thuế Giá trị gia tăng đầu ra từ 1-1-2013 đến 30-6-2014 đối với các hoạt động đầu tư nhà ở kinh doanh xã hội. Giảm 30% đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Còn nội dung liên quan thuế thu nhập doanh nghiệp là áp dụng thuế suất 20% từ 1-7 với doanh nghiệp vừa và nhỏ (những doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 200 người và dưới 20 tỷ đồng), áp dụng  thuế 10% từ 1-7 đối với thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; ưu đãi mở rộng đối với ngành nghề ưu đãi. 

Trước những ý kiến về việc áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông nên ở mức 20%, hay 23% vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Mong muốn của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay là giảm nghĩa vụ thuế và với thuế suất 23% thì so với khu vực đã khá cạnh tranh và tương đối thấp so với thế giới và khu vực. “Do vậy phải cân nhắc các mục tiêu sản xuất kinh doanh thu ngân sách sao cho tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tạo khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ Tài chính đang nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.