Thuế giảm, giá xăng dầu có hạ?

ANTĐ - Câu chuyện chênh lệch thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu giữa thực tiễn và mức thuế trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu khiến người tiêu dùng thiệt hại, còn doanh nghiệp “đút túi” hàng nghìn tỷ đồng đến nay vẫn thu hút sự quan tâm của xã hội. Trước nhiều ý kiến phản hồi, đến ngày 17-3, Bộ Tài chính mới có quyết định điều chỉnh. Tuy nhiên, kết quả của sự điều chỉnh này ra sao, người dân vẫn phải chờ đợi.

Thuế giảm, giá xăng dầu có hạ? ảnh 1

Giá xăng Việt Nam thấp hơn các nước?

Khi dư luận còn quá nhiều câu hỏi thì chiều 17-3, Bộ Tài chính cho biết sẽ trình sửa theo hướng các nhà máy lọc dầu thực hiện nghĩa vụ thuế hoàn toàn theo các Luật thuế và bỏ cơ chế nếu thuế nhập khẩu hạ xuống dưới mức 7% thì Nhà nước bù. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu với một số mặt hàng xăng dầu, bắt đầu từ ngày 18-3.

Theo đó, các mặt hàng xăng khoáng và xăng sinh học sẽ tiếp tục giữ nguyên mức thuế nhập khẩu ưu đãi 20%. Thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng máy bay và nhiên liệu động cơ máy bay giảm từ 10% xuống mức 7%. Các loại dầu được điều chỉnh giảm từ 3-6% tùy loại. Quyết định này phần nào “xoa dịu” những ý kiến xung quanh việc Bộ này chần chừ giảm thuế vì ngại phải bù thuế, bù giá một cách không hợp lý cho lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu như trên nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi (biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các hiệp định thương mại song phương và khu vực. 

Tuy đã có sự điều chỉnh nhưng so với các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo các hiệp định thương mại như đã nêu ở trên, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng và dầu theo biểu mới vẫn có độ vênh, chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng doanh nghiệp hưởng lợi khi nhập xăng dầu từ các thị trường ASEAN và Hàn Quốc.

Bởi trước đó, theo Thông tư 78 được liên bộ Công Thương - Tài chính ban hành tháng 5-2015 quy định, giá cơ sở (căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu) được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diezel và mazut là 10%, nhưng trên thực tế, do các cam kết hội nhập, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ ASEAN và Hàn Quốc lại thấp hơn mức thuế trong giá cơ sở từ 5-10%.

Đến giữa tháng 3-2016, mức chênh lệch này vẫn được duy trì, dẫn tới lượng xăng dầu nhập khẩu từ hai thị trường trên tăng vọt, lên tới 90% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu. Trong khi doanh nghiệp hưởng lợi, thì gánh nặng về thuế lại nằm trên vai người tiêu dùng một cách vô lý. 

Thừa nhận vẫn còn chênh lệch thuế, song ngày 19-3, dẫn theo công bố Global Petrol Price.com, Bộ Tài chính lại cho biết, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam ngày 16-3-2016 đứng thứ vị trí thấp 27/180 nước, thấp hơn cả 3 nước có chung đường biên giới và Thái Lan.

“Như vậy, có thể thấy giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Lý do chủ yếu là do cơ cấu thuế, phí của họ trong giá xăng dầu cao hơn vì xăng dầu nhập khẩu đều có giá chung của thế giới (ví dụ nếu nhập khẩu từ Singapore có giá Platt Singapore - giá giao dịch bình quân hàng ngày được công bố bởi Hãng tin Platt’s). Chính vì vậy, mặc dù điều kiện nhập khẩu xăng dầu của các nước trong khu vực, đặc biệt 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam về cơ bản như nhau, nhưng giá xăng của Việt Nam chỉ bằng 82,3% giá xăng của Campuchia, bằng 73,9% giá xăng  của  Thái Lan, bằng 71,4% giá xăng  của  Trung Quốc và chỉ bằng 55,6% giá xăng của Lào” - đại diện Bộ Tài chính nói.

Bộ Công Thương thoát gánh nặng?

Theo tính toán của các chuyên gia, với mức chênh lệch thuế như trên, mỗi lít xăng dầu, người tiêu dùng đang phải mua đắt hơn từ 400 đến hơn 600 đồng/lít. Ngược lại, khoản tiền này lại chảy vào túi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng/tháng. Điều này rất logic với việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo lợi nhuận hợp nhất năm 2015 lên tới hơn 3.760 tỷ đồng, chấm dứt thời gian dài kinh doanh thua lỗ trước đó.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thừa nhận, chênh lệch thuế nhập khẩu giữa thực tế với công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu khiến doanh nghiệp được hưởng lợi. Tuy nhiên, chỉ những lô hàng có chứng nhận form D (chứng nhận xuất xứ từ khu vực được ưu đãi) mới được hưởng thuế suất ưu đãi thuế thấp. 

Sau nhiều ngày “im ắng”, chiều 14-3, Bộ Công Thương đã có bản thông báo gửi các cơ quan báo chí liên quan đến sự chênh lệch trong cách tính giá cơ sở này. Ngay đầu thông cáo, Bộ Công Thương cho hay, theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế MFN.

“Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đề nghị, phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA, trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng” - người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết. 

Mặc dù thông tin Bộ Công Thương gửi các cơ quan báo chí rất ngắn gọn, nhưng một cách không trực tiếp, trách nhiệm liên quan đến cách tính thuế mặt hàng xăng dầu đã được đẩy sang Bộ Tài chính. Trong khi đó, từ tháng 6-2014, Bộ Công Thương đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ điều hành mặt hàng xăng dầu trong nước.

Người dân tiếp tục chờ đợi

Sau thông tin phát đi từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng có ý kiến cho biết đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục. Thông cáo được Bộ Tài chính gửi đi trong chiều ngày 15-3 nêu rõ, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế MFN.

Bộ Tài chính cho biết, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN. “Do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở nếu áp dụng các mức thuế khác nhau. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới” - Bộ Tài chính khẳng định.

“Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc... tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng” - Bộ Tài chính thông tin.

Tại thông cáo gửi các cơ quan báo chí ngày 19-3, đại diện Bộ Tài chính cho hay, cùng với việc điều chỉnh giảm mức thuế MFN đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA).

Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý (dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau) do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử (đảm bảo tính chính xác, tin cậy). Việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Trong khi đó, tính đến 19h ngày 19-3, giá bán lẻ của mặt hàng xăng dầu trong nước vẫn được giữ nguyên, mặc dù theo chu kỳ điều chỉnh 15 ngày thì đã đến lịch. Nguyên nhân là do mức chênh lệch giữa giá cơ sở của các mặt hàng xăng với giá bán hiện hành đã vượt mức 7% nên cơ quan điều hành phải báo cáo Thủ tướng.

Tuy nhiên, Nghị định 83 cho phép lùi ngày điều hành giá xăng dầu qua ngày nghỉ, đến ngày đi làm đầu tiên. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những kỳ điều hành giá khó khăn nhất của Bộ Công Thương vì giá thế giới thời  gian qua tăng khá cao nhưng nếu tăng giá xăng trong bối cảnh này sẽ gặp phải phản ứng của dư luận.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập, hiện có nhiều mức thuế khác nhau, do vậy, cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở. Việc áp dụng nhiều mức thuế khác nhau cũng tạo ra sự méo mó cho thị trường xăng dầu cả về phía bên cung và bên cầu. Đặc biệt, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và cập nhật ngay những thay đổi chính sách để tạo điều kiện cho điều hành giá, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.