Thực phẩm từ thực vật giúp giảm biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, sữa “trồng” trong thùng, protein từ vi sinh vật… - những nguồn thực phẩm trong tương lai có thể giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu không? Có, nhưng các nhà khoa cũng có một số đề xuất hấp dẫn hơn.
Thịt nuôi cấy từ phòng thí nghiệm đã và đang được thử nghiệm

Thịt nuôi cấy từ phòng thí nghiệm đã và đang được thử nghiệm

Thực phẩm trong tương lai

Trong một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí khoa học Nature Foods, các nhà khoa học Phần Lan mới đây đã tập trung vào “thực phẩm mới hoặc trong tương lai”. Với nguồn sẵn có, côn trùng được bổ sung vào danh mục thực phẩm mới bởi nhiều nền văn hóa vẫn ăn côn trùng, một nguồn protein tuyệt vời và chất béo lành mạnh. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu bổ sung thêm tảo xoắn hay thịt nấm. Trong đó, thịt nấm, thực chất là một loại nấm giàu protein đã được các công ty Mỹ ra mắt là Meati và Quorn. Các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật như Beyond Burgers và Impossible Burgers đã trở nên phổ biến - ngay cả tại các nhà hàng thức ăn nhanh bao gồm Burger King, KFC, Starbucks và những nhà hàng khác.

Trong tương lai, con người có thể sử dụng các loại sữa được nuôi từ tế bào, thịt nuôi cấy và protein vi sinh vật. Những sản phẩm này chưa có trên thị trường nhưng một số công ty đang nghiên cứu chúng. Phòng thí nghiệm Turtle Tree Labs đặt trụ sở tại Singapore có một cơ sở ở Tây Sacramento, California, chuyên thử nghiệm sữa dựa trên tế bào. Một số công ty trên thế giới đang nghiên cứu về thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm… Bổ sung những loại thực phẩm mới lạ này vào chế độ ăn hàng ngày, con người sẽ không cần phải cắt nhỏ con dế hoặc trộn nhiều tảo xoắn trong món salad. Hầu hết chúng đều ở dạng bột. “Giống như bạn có thể kết hợp nó vào bánh mì, protein dạng lắc vậy”, bà Rachel Mazac, nhà nghiên cứu hệ thống thực phẩm tại Đại học Helsinki ở Phần Lan cho biết.

Thử tưởng tượng, với người “nghiện” thực phẩm trong tương lai, họ có thể sử dụng thực đơn: Bữa sáng là món protein lắc được làm từ sữa bò ủ trong môi trường nuôi cấy tế bào, với bột côn trùng được bổ sung để cung cấp protein, tảo xanh lam để cung cấp vitamin và nước cốt quả mây trồng trong phòng thí nghiệm để tạo hương vị. Vào bữa trưa, họ có thể chọn một chiếc bánh burger làm từ thịt bò được nuôi trong phòng thí nghiệm và bữa tối là một chiếc bánh làm từ protein nấm được nuôi cấy. Thực ra, thực đơn đó không đối nghịch nhiều với một bữa ăn có nguồn gốc thực vật hiện nay. Nó tương đương với bữa sáng gồm bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt với bơ đậu phộng và một ly sinh tố làm từ chuối và sữa yến mạch. Đối với bữa trưa, một chiếc burger là lựa chọn không thể bỏ qua và bữa tối là một chiếc bánh nướng hoa quả trộn sốt thịt nướng.

Khuyến khích ăn ít thịt, nhiều rau

Nông nghiệp và hệ thống lương thực toàn cầu, đặc biệt là sản xuất thịt và sữa, chiếm 31% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2021, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Nhưng trong nghiên cứu về việc giảm nguy cơ nóng lên toàn cầu thông qua chế độ ăn uống, các nhà khoa học Phần Lan cũng chỉ ra rằng, điều ngạc nhiên là chế độ ăn kiêng đơn giản là cắt giảm thịt và sữa cũng có tác dụng thân thiện với môi trường khí hậu đáng kể. Nhà nghiên cứu Rachel Mazac nhấn mạnh: “Không cần phải là công nghệ. Chỉ cần thay thế 80% nguồn thức ăn động vật bằng các lựa chọn dựa trên thực vật giúp giảm 75% tác động đến khí hậu. Chỉ riêng việc giảm tiêu thụ thịt đã giảm 60% tác động đối với môi trường”. “Chỉ cần chúng ta tiêu thụ thịt và sữa ít hơn, tập trung hơn một chút vào chất lượng dinh dưỡng và chất lượng sản phẩm là được”, bà Mazac nói.

Tương tự, Fabrice DeClerck, Giám đốc khoa học tại EAT, một tổ chức quốc tế hoạt động để làm cho hệ thống lương thực bền vững hơn cho hay, họ phát hiện ra rằng giảm tiêu thụ thịt và sữa làm cho chế độ ăn uống lành mạnh hơn và ít có khả năng góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Một số thay đổi có thể xảy ra một cách tự nhiên. Khi dân số tăng lên, nhiều người sẽ đặt nhiều nhu cầu hơn vào nông nghiệp, làm tăng chi phí và làm cho những thứ như thịt và các sản phẩm từ sữa trở nên đắt hơn, khiến tiêu dùng đi xuống. Từ Amsterdam, ông DeClerck cho biết, việc tìm kiếm các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc từ thực vật hiện nay cũng phổ biến hơn nhiều so với cách đây 5 năm.

Bên cạnh đó, việc chuyển sang một chế độ ăn kiêng nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và nấm có thể dễ dàng hơn việc khiến nhân loại vượt qua “chứng sợ thực phẩm”, đặc biệt là các loại thực phẩm mới. Geoffrey Heal, Giáo sư kinh tế môi trường tại trường kinh doanh Đại học Columbia ở New York cho biết, vấn đề không chỉ đơn giản là có thành phần hóa học phù hợp. “Mọi người có thích nó không? Nó có hương vị và cảm giác vừa miệng không? Có rất nhiều điều quyết định xem thứ gì đó có được con người chấp nhận làm thực phẩm hay không”, Giáo sư Geoffrey Heal nói.

Thế giới dự kiến sẽ có 9,7 tỷ miệng ăn vào năm 2050, tăng 1,9 tỷ người so với hiện nay. Đồng thời, hầu hết mọi quốc gia đều đã ký kết Hiệp định Khí hậu Paris, cam kết bắt đầu chuyển sang nền kinh tế giảm thải khí các-bon để chống lại biến đổi khí hậu. Thức ăn sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược đó.