Thực phẩm Tết, chưa hết lo

ANTĐ - Vừa qua, Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP Hà Nội đã tiến hành giám sát công tác đảm bảo ATVSTP ở 3 quận, huyện được coi là “điểm nóng” trên địa bàn thành phố. Trước đó, Sở Y tế cũng tiến hành kiểm tra tại huyện Từ Liêm. Điểm chung của các đợt kiểm tra này là... không phát hiện sai phạm gì, tuy nhiên nỗi lo mất ATVSTP vẫn canh cánh.

Cơ quan chức năng kiểm tra mẫu bánh kẹo, hạt hướng dương

Kiểm tra, cơ sở nào cũng tốt

Đầu tháng 1-2013, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đoàn kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Buổi kiểm tra có quy mô “rầm rộ” nhất từ trước đến nay đã kết thúc khá tốt đẹp khi hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều tương đối đảm bảo điều kiện VSATTP. Tiếp đến, Hà Nội thành lập 6 đoàn kiểm tra ATVSTP cấp thành phố, đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra ATVSTP Tết. Tuy nhiên, ngoại trừ các đoàn kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường thành phố, các đoàn còn lại đến thời điểm này hầu như vẫn chưa phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nào có sai phạm.

Mới đây, ngày 16-1, Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP Hà Nội phối hợp cùng Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tiến hành giám sát, kiểm tra việc đảm bảo ATVSTP tại làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức). La Phù được biết đến là một làng nghề thực phẩm lớn, trước nay vấn đề đảm bảo ATVSTP luôn rất nhức nhối. Đoàn kiểm tra được địa phương dẫn đi thị sát trực tiếp 2 cơ sở sản xuất bánh kẹo sô cô la và kẹo sữa béo, cả 2 cơ sở đều tuân thủ các quy định đảm bảo ATVSTP khá tốt, trừ một vài lỗi nhỏ không đáng kể. Thực tế, đây là 2 cơ sở sản xuất thực phẩm có quy mô, có “tên tuổi” trong xã, nên việc họ đảm bảo ATVSTP là đương nhiên. Trong khi đó, thực phẩm có nguy cơ mất an toàn nhất lại luôn tồn tại ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… 

Đặt mình ở vị trí người tiêu dùng, ông Phạm Xuân Tài, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP cho biết, ngay cả vào siêu thị mua thực phẩm ông cũng chưa thấy yên tâm. Nói về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, dù trong năm 2012 trên địa bàn thành phố không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm, song việc quản lý ATTP vẫn rất nan giải. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thẳng thắn, các con số báo cáo hay từ một vài cuộc kiểm tra chỉ là “bề nổi” của thực trạng ATVSTP hiện nay. Chẳng hạn, theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, trong năm 2012, toàn huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, với tổng số tiền phạt gần 95 triệu đồng. Thế nhưng chỉ tính riêng một cuộc kiểm tra mà lực lượng này mới thực hiện tại Công ty TNHH SASA (tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) hồi tháng 9 vừa qua, đã xử phạt và tiêu hủy hàng hóa của công ty với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng.

Cần đi vào thực chất

Ông Nguyễn Đắc Lộc cho rằng, các cuộc kiểm tra ATVSTP thời gian qua đa phần nặng về yếu tố kiểm tra giấy tờ. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm là cái quan trọng nhất, cái tác động trực tiếp đến sự an toàn của người tiêu dùng thì các đoàn kiểm tra làm còn ít, hời hợt. Theo ông Lộc, muốn đảm bảo ATTP cũng như đảm bảo lợi ích cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì cần phải tập trung, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra phải ngăn chặn các sai phạm ngay từ khâu đầu vào, nguyên vật liệu đến quy trình sản xuất. Nếu chỉ kiểm tra sản phẩm thành phẩm thì khi phát hiện sai phạm sẽ dẫn đến “thiệt hại kép” cho doanh nghiệp, họ vừa bị mất tiền nộp phạt vừa mất tiền để tiêu hủy hàng hóa, chưa kể thương hiệu sản phẩm bị ảnh hưởng.

Tổng kết đợt giám sát trong tuần qua của Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP tại 3 “điểm nóng” trên địa bàn về ATVSTP (gồm huyện Thanh Trì, quận Hà Đông và huyện Hoài Đức), bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa xã hội nhận định, tuy chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nhưng không vì thế mà có thể yên tâm hoặc chủ quan. Thực tế, nguy cơ mất ATVSTP vẫn luôn hiển hiện do Hà Nội là một thị trường lớn, lượng hàng hóa tiêu thụ rất lớn và khó kiểm soát. Vì vậy, bà Thùy yêu cầu các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP trên địa bàn, nhất là phải tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ, nguy cơ mất an toàn cao. Mặt khác, phải tăng cường tuyên truyền ý thức đảm bảo ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

Từ thực tiễn đó, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, trong năm 2013, với vai trò cơ quan thường trực về công tác ATVSTP, ngành y tế sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và các lễ hội đầu năm, Ban chỉ đạo ATVSTP của thành phố sẽ hoạt động “hết công suất” để mang lại bữa ăn an toàn cho người dân.