Thực phẩm, dịch vụ chưa chịu giảm giá

ANTĐ - Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 được công bố giảm 0,26%, cùng với đó là giá xăng dầu đã nhiều lần giảm, nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phí các loại dịch vụ lại không có xu hướng giảm theo.

Sức mua hàng tại các siêu thị giảm khá mạnh


Giá đứng yên dù sức mua giảm

Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP, dù thời gian qua, giá thịt lợn hơi cùng giá gia cầm lông, giá trứng giảm khá mạnh, từ 20-40%, song thành phẩm đến tay người tiêu dùng lại không giảm. Thậm chí, thịt bò, tôm, cá tại một số chợ còn có xu hướng tăng. Thịt bò loại ngon hiện ở mức 200.000 - 220.000 đồng/kg, tôm sú từ 150.000 - 180.000 đồng/kg… Tăng giá mạnh hơn trong thời điểm này là rau xanh và các loại hoa quả. Các loại rau như cải, mồng tơi, rau dền, bầu bí đều nhích lên. Với các loại quả như cam, thanh long… thống kê của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, trong tháng 6, giá các loại hoa quả này đã tăng từ 30-50% so với tháng 5. Bên cạnh đó là giá các loại dịch vụ như ăn uống, vận tải không giảm. Giá các loại hàng ăn uống vẫn giữ từ 30.000 - 35.000 đồng/bát phở, bún; 30.000 - 60.000 đồng/suất cơm; rồi giá một số dịch vụ như trông giữ xe, rửa xe vẫn từ 20.000 - 25.000 đồng/xe máy. 

Còn đối với hàng hóa trong các hệ thống siêu thị, đại diện các siêu thị như Fivimart, Intimex… cho biết, không có sự giảm giá cũng như thông báo giảm giá từ phía các nhà cung cấp. Dù rằng, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, thống kê của hiệp hội cho thấy, lượng người mua sắm tại hệ thống siêu thị Hà Nội 6 tháng đầu năm nay đã giảm một nửa so với năm trước. Doanh số bán hàng phi thực phẩm giảm rất mạnh do cơ cấu giỏ hàng của khách mua hiện nay chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống hàng ngày, chiếm đến 80%. Giá trị một giỏ hàng cũng giảm đến gần 20% so với trước. Các doanh nghiệp thương mại cũng tỏ ra kém lạc quan khi các đợt khuyến mãi lớn hiện nay không tác động nhiều đến các bà nội trợ vì khuyến mãi chủ yếu ở hàng công nghiệp, còn các bà nội trợ đang phải ưu tiên số một cho cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Người dân chưa được hưởng lợi

Hiện tại, rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam được đại diện bằng gần 500 mặt hàng, chia làm 10 nhóm hàng với tỷ trọng được tính toán theo cơ cấu chi tiêu cho đời sống tiêu dùng của người dân. Theo đó, các mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất là 42,85%. Nhà ở và vật liệu xây dựng, bao gồm cả điện, nước, chất đốt chiếm 9,99%; thiết bị, đồ dùng gia đình chiếm 8,62%; may mặc, mũ nón, giày dép chiếm 7,21%… Nhu cầu dành cho ăn, mặc, ở, đồ dùng gia đình chiếm tỷ trọng 60 - 70% trong rổ hàng hóa. Vì thế, khi các nhà sản xuất các mặt hàng nói trên chưa có tín hiệu giảm giá thì người dân chưa thực sự được hưởng lợi từ lạm phát giảm.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, theo thống kê, CPI tháng này có giảm, song mức giảm không đáng kể. Một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giá một số dịch vụ ăn uống không giảm có thể do gắn liền với quyền lực cung cầu, hoặc do quan hệ giữa người bán và người mua. “Một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày gắn liền với sức cung cho một đô thị lớn, ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố cung - cầu, nên có thể, tại khu vực này thì giá thịt giảm nhẹ, nhưng tại nơi kia giá thực phẩm vẫn giữ nguyên”, ông Phong nói. Ngoài ra, ông Phong cũng cho rằng, do sức ép, sự cạnh tranh của các mặt hàng bình ổn giá chưa cao, chưa tác động mạnh để có thể giảm 10% giá tiêu dùng như mong đợi.

Còn đối với cước vận tải ít nhiều mang dáng dấp độc quyền, nên giá lên nhanh mà xuống thì chậm. Hơn nữa, Hiệp hội Vận tải cũng chưa thể hiện được vai trò, sức ép của mình đến các doanh nghiệp. Ông Phong phân tích: “Cũng cần phải nói đến một phần do lỗi từ phía cơ chế. Vì muốn tăng hay giảm giá cước đơn vị kinh doanh vận tải phải có tờ trình. Lẽ ra, nếu họ tăng cước thì mới cần báo cáo, khi giảm cước thì không cần. Chẳng có doanh nghiệp nào lại đi làm thủ tục, tờ trình xin giảm giá cước, mất thời gian”. Trong khi đó, tâm lý của các doanh nghiệp thì muốn giữ giá để thu chênh lệch, lợi nhuận nhiều hơn.