Thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan: “Ông” nào chịu trách nhiệm?

ANTĐ - Cứ một hai ngày cả xã hội lại sởn tóc gáy khi liên tiếp đón nhận những thông tin kinh hoàng về thực phẩm bẩn, độc hại. Cứ mỗi lần báo chí công bố phát hiện ra loại thực phẩm độc hại, người ta mới rùng mình khi nghĩ đến mâm cơm nhà mình, người ta bắt đầu phản ứng và đặt vấn đề xử lý với những kẻ dã tâm kinh doanh thực phẩm độc hại đã hủy diệt đồng loại. Song không thấy ai xem xét đến  trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi thực phẩm bẩn cứ ngày ngày tràn lên mâm cơm của hàng triệu triệu gia đình?

Thực phẩm bẩn tấn công từ mọi phía

Hàng loạt những vụ thực phẩm bẩn kinh hoàng được đưa lên báo chí hàng ngày như: Trong cuộc kiểm tra hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển năm 2011, cơ quan hải quan đã phát hiện, tạm giữ hàng trăm container hàng “tạm nhập tái xuất” là hàng cấm như hai lô hàng với trên 100 tấn chân gà đã phân hủy, có mùi ôi thiu đã được Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh nhập về cảng PTSC (TP. Hải Phòng). Tại TP.HCM, cơ quan chức năng  cũng phát hiện gần 15 tấn thịt bò đông lạnh nhập khẩu kém chất lượng với biểu hiện thịt đã chuyển màu xanh đen, bốc mùi.

Ngày 20-12-2011, Công an Hà Tĩnh phát hiện xe khách chở 200kg gan và bì lợn bốc mùi hôi thối. Cùng ngày, Đội CSGT Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM bắt giữ một chiếc xe khách chở 2 tấn thịt cũng trong tình trạng như vậy. Sau đó một ngày, Công an TP.Đà Nẵng cũng phát hiện xe khách vận chuyển 300kg chân, móng trâu thối, không qua kiểm dịch. Đến ngày 28-12-2011, Đội Quản lý thị trường số 11 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) và đội kiểm tra tuyến thuộc PC15 - Công an Hà Nội phát hiện hơn 23 tấn đuôi, chân bò thối chuẩn bị chuyển vào Bình Dương để tiêu thụ…

Chưa hết, thịt “bẩn” không phải từ khi ra chợ mà ngay trong giai đoạn chăn nuôi. Lợn, bò, gà, vịt... người ta có thể vỗ béo, tăng tỷ lệ thịt nạc bằng các thức ăn chứa các hóa chất không tốt sức khỏe, chẳng hạn chất salbutamol thuộc nhóm chất beta-agonist có tác dụng phụ làm kích động gây co giật, làm giảm kali trong máu, rối loạn nhịp tim... Chỉ cách đây ít ngày, thông tin về việc người chăn nuôi đã sử dụng hóa chất phù phép cho lợn nở mông, vai, tạo nạc bắt mắt đã khiến kinh hoàng hàng triệu người tiêu dùng. Thịt lợn là thức ăn chủ yếu của đa số người Việt Nam, câu chuyện thịt lợn siêu nạc đã khiến cho dư luận hết sức lo ngại.

Tại các chợ, mực đông lạnh trương thối, mốc xanh mốc đỏ được tẩy bằng hóa chất để biến thành mực tươi, trắng phau. Ruốc thịt được làm hàng bằng phẩm màu, hương thịt tổng hợp. Bóng bì mốc meo, bốc mùi phơi trên bãi rác. Miến giăng từ góc chuồng lợn tới miệng cống. Rau xanh phun thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng, tưới bằng nước bẩn, hoa quả ngâm hóa chất bảo quản, gạo trộn hóa chất diệt mối, chống ẩm mốc. Giá đỗ bao gồm hóc môn tăng trưởng, thuốc tẩy trắng và thuốc trống mọc rễ để cho ra cọng giá trắng tinh, căng đẹp... Mới đây, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện thịt hun khói, xúc xích, salami… đã hết hạn sử dụng, bốc mùi thối, mốc đen đang được phù phép thành hàng mới để tung ra thị trường trong dịp Tết vừa qua.

Trên đây, mới chỉ là những vụ kinh doanh thực phẩm bẩn lớn bị phát hiện khi các cơ quan chức năng mở “chiến dịch” kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm mang tính thời điểm. Trong thực tế, thực phẩm bẩn là chuyện thường ngày ở chợ, quán ăn, nhà hàng… mà người tiêu dùng không phải là “thánh” để có thể nhận biết được chất lượng lực phẩm trong khi đó các nhà sản xuất, kinh doanh chỉ vì lợi nhuận của mình đã  dùng các chiêu thức lừa dối rất tinh vi.

Độc hại với sức khỏe con người

Sự lạm dụng hóa chất trong chế biến và bảo quản thực phẩm tiêu dùng của người dân đã đến độ nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 35% số nạn nhân thế giới mắc bệnh ung thư liên quan đến yếu tố thực phẩm và cung cách ăn uống thường ngày.  Hàn the gây nhức đầu - cơ thể bải hoải - mạch tim đập nhanh - áp suất máu giảm - có thể bị phong giật và đi đến bất tỉnh. Hóa chất trong xì dầu có tên viết tắt là 3-MCPD khi đi vào cơ thể qua đường thực phẩm sẽ tích tụ trong các mô mỡ và gan. Qua thời gian, một khi liều lượng của hóa chất trên cao hơn mức an toàn của cơ thể có thể chấp nhận được, nguy cơ bệnh ung thư sẽ xảy ra.

Formol khi bị xâm nhập vào thực quản, cơ thể sẽ phản ứng mạnh mẽ như ói mửa, bị tiêu chảy và mất nước mau chóng có thể đi đến tử vong. U rê có đặc tính phụ là kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn cho nên đã bị lạm dụng để bảo quản thực phẩm như tôm cá, giữ được sắc còn tươi dù đã để lâu ngày. Còn nitrite, đã được sử dụng làm cho cây trái, rau đậu được tươi xanh. Hóa chất trên là mầm mống của ung thư nhất là ở dạ dày và ruột già.

Ngoài ra hóa chất bảo quản sodium benzoate có thể gây tử vong khi xâm nhập vào cơ thể một lượng từ 2g/kg/trọng lượng cơ thể, hóa chất bảo vệ thực vật endo sulfan và metamidophos là loại thuốc trừ sâu rất độc đối với hệ thần kinh và nội tạng. Khi chất này tích tụ trong cơ thể lâu ngày có nguy cơ gây ngộ độc mạn tính, phá hủy các cơ quan nội tạng và dẫn đến các chứng ung thư. Các màu tổng hợp được dùng để nhuộm đỏ như sudan hay rhodamine là một trong những hóa chất có nguy cơ gây ung thư.

Rhodamin B cũng là một loại hóa chất dùng trong công nghệ tẩy nhuộm vải, nhưng cũng đã dần chuyển sang phục vụ cho chế biến thực phẩm dù nó có khả năng gây độc cấp tính và mãn tính. Trong trường hợp tích lũy nhiều trong cơ thể, rhodamine B sẽ tác hại cho gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh cũng như có thể tạo ra ung thư. TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP khẳng định: “Nếu ăn hằng ngày chất rhodamine B có thể tích luỹ trong người gây bệnh. Chất này không được sử dụng trong thực phẩm dù với lượng rất thấp”.

Như vậy thực phẩm bẩn, độc hại không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tức thì của những người sử dụng mà còn gây nguy hiểm về lâu dài đặc biệt là có thể  ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?

Một chuyên gia về nông nghiệp đã nêu ý kiến đau xót rằng “người Việt đang vô tình hại lẫn nhau và hại giống nòi Việt bằng thực phẩm nhiễm độc”. Ngăn chặn tình trạng buôn bán thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ ngộ độc thực phẩm, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó tập trung vào các cơ quan hữu quan như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an… nhưng lâu nay không có Bộ nào đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng. Khi những vụ việc xảy ra, hầu hết các hành vi vi phạm chỉ bị xử lý hành chính và tiêu hủy tang vật, rất ít hành vi bị xử lý hình sự. Còn những cơ quan có trách nhiệm thì lại chẳng phải chịu một hình thức xử phạt nào.  Sau mỗi vụ việc vi phạm người ta chỉ thấy nói đến việc xử lý các đối tượng vi phạm, thực tế chưa thấy cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm, hay bị đưa ra xem xét khi để thực phẩm bẩn độc hại, tràn lan trên thị trường.

Tình trạng bán thực phẩm bẩn độc hại đang diễn ra hàng ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, gây tâm lý bất an lo lắng. Dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi tối thiểu cho người dân? Cho đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời.

Bên cạnh đó, dù Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành, song đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, nên việc xử lý vẫn theo các quy định cũ với mức hình phạt quá nhẹ. Chính vì các chế tài xử là quá nhẹ so với mức độ nguy hại mà hành vi này gây ra cho sức khỏe con người, cho môi trường, xã hội nên vi phạm không những không được ngăn chặn triệt để mà đối tượng vi phạm còn tỏ ra coi thường pháp luật.

Trên các phương tiện truyền thông, những người có trách nhiệm giữ gìn VSATTP cho người dân vẫn hay nhắc khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái”. Nhưng chúng tôi cho rằng đó là cách nói rất “vô trách nhiệm” của những người “phải có trách nhiệm”. Người tiêu dùng không phải là “thánh”, mà những người có trách nhiệm phải tạo mọi điều kiện để người tiêu dùng được mua thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mọi khẩu hiệu chỉ là xáo rỗng.  

Tin cùng chuyên mục