Thực hư việc Taliban tuyên bố kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Taliban ngày 9-7 tuyên bố, nhóm nổi dậy dòng Hồi giáo Sunni này đã kiểm soát 85% lãnh thổ ở Afghanistan. Vì thế các tổ chức quốc tế lo ngại cho các hoạt động nhân đạo đưa thuốc men và vật tư vào nước này.
Quân đội Afghanistan tại một điểm kiểm tra an ninh ở Guzara, huyện Herat ngày 9-7

Quân đội Afghanistan tại một điểm kiểm tra an ninh ở Guzara, huyện Herat ngày 9-7

Do giao tranh với Taliban, hàng trăm nhân viên an ninh Afghanistan và người tị nạn tiếp tục chạy trốn qua biên giới sang các nước láng giềng Iran và Tajikistan, khiến Matxcơva và nhiều nước lo ngại rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể xâm nhập vào Trung Á. Đại diện Taliban đã tới làm việc với Matxcơva và tuyên bố kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan.

Các quan chức chính phủ Afghanistan cho rằng việc Taliban tuyên bố kiểm soát phần lớn đất nước chỉ là chiến dịch tuyên truyền của nhóm này khi quân đội nước ngoài rút ​​lui sau gần 20 năm tham chiến.

Tuy nhiên, các quan chức địa phương của Afghanistan cho hay, các tay súng Taliban đã chiếm được một huyện quan trọng ở tỉnh Herat, nơi sinh sống của hàng chục nghìn người Shi’ite Hazara thiểu số. Torghundi, một thị trấn phía bắc biên giới với Turkmenistan, cũng đã bị Taliban đánh chiếm chỉ trong một đêm.

Phản ứng về tuyên bố của Taliban, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói: “Tuyên bố chủ quyền không có nghĩa là bạn có thể duy trì điều đó theo thời gian. Và vì vậy tôi nghĩ đã thực sự đến lúc các lực lượng Afghanistan trên thực địa cần bảo vệ đất nước của họ, người dân của họ. Họ đã có năng lực. Bây giờ là lúc để thực hiện ý chí đó”, ông Kirby nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8-7 cho biết, người dân Afghanistan phải tự quyết định tương lai của mình và ông sẽ không đưa một thế hệ người Mỹ khác tham gia cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ. Ông Biden đặt mục tiêu là ngày 31-8 cho đợt rút quân cuối cùng, chỉ để lại khoảng 650 binh sĩ để đảm bảo an ninh cho đại sứ quán ở Kabul.

Khi giao tranh tiếp diễn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại cho việc đưa thuốc men và vật tư vào Afghanistan. Một số nhân viên y tế đã bỏ trốn sau khi các cơ sở bị tấn công. Giám đốc khu vực khẩn cấp của WHO, Rick Brennan, cho biết, ít nhất 18,4 triệu người Afghanistan cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 3,1 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính.