Thực hư việc 68 tuyến buýt trợ giá “bị nợ” hàng trăm tỷ đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đến nay, do vướng mắc về việc thay đổi cơ chế nên vẫn còn 68 tuyến buýt có trợ giá của 7 doanh nghiệp chưa được thanh toán tiền của quý 1-2020 dẫn đến nhiều khó khăn cho các đơn vị này trong bối cảnh khó khăn chung vì đại dịch Covid-19.

"Nợ" tiền trợ giá xe buýt do thay đổi cơ chế

Theo phản ánh của 7 đơn vị vận hành xe buýt trên địa bàn Hà Nội gồm Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Công ty CP Xe điện Hà Nội, Công ty CP xe khách Hà Nội, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Chi nhánh Công ty TNHH Bắc Hà, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, Công ty CP Vận tải Newway, hiện các đơn vị này vẫn bị “nợ” tiền xe buýt của quý 1-2020. Số tiền cả 7 đơn vị đang bị “nợ” lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Transerco.

Trao đổi về thực trạng này, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 104 tuyến buýt được trợ giá, từ năm 2019 về trước được TP Hà Nội đặt hàng.

Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, từ 1/1/2020, phải thực hiện đấu thầu, nhưng do lần đầu tiên thực hiện đấu thầu xe buýt cùng với khối lượng lớn, nên trên địa bàn Hà Nội đến 1/4/2020 mới hoàn tất. Nhưng, để đảm bảo hoạt động xe buýt phải thường xuyên, liên tục, không làm gián đoạn việc đi lại của hành khách, nên TP Hà Nội vẫn duy trì xe buýt hoạt động bình thường.

Xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn
Xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn

“Từ ngày 1/4/2020, tất cả các tuyến buýt có trợ giá của Hà Nội đã đấu thầu xong và hoạt động bình thường. Trung tâm cũng đã chi trả tiền trợ giá quý 2, quý 3 và 50% của quý 4 cho các doanh nghiệp, nhưng tiền quý 1 thì chưa thể thanh toán được do vướng cơ chế chuyển đổi”- ông Phương nhìn nhận.

Cụ thể, hiện nay còn 68 tuyến buýt trợ giá của 7 doanh nghiệp trên chưa được thanh toán tiền trợ giá quý 1-2020. Được biết, số tiền này ước tính khoảng 300 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định: “Thực chất, không phải Trung tâm nợ tiền của các doanh nghiệp, không phải TP Hà Nội không có tiền chi trả mà do cơ chế bị vướng, giao thời giữa việc thực hiện chính sách cũ và chính sách mới (chính sách cũ là đặt hàng, chính sách mới là đấu thầu) nên đến nay thành phố chưa quyết định sẽ thanh toán tiền trợ giá xe buýt của quý 1-2020 cho 7 doanh nghiệp này theo hình thức nào”.

Hiệp hội vận tải khách công cộng TP Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xe buýt.

Cụ thể như, sớm quyết định việc chi trả tiền trợ giá xe buýt của quý 1-2020 cho 7 doanh nghiệp để các doanh nghiệp lấy chi phí. Ngoài ra, cần điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu của xe buýt.

Cũng theo ông Phương, nắm bắt được khó khăn của các doanh nghiệp vận tải xe khách công cộng trên địa bàn Hà Nội do ảnh hưởng của Covid-19, cùng với việc bị chậm thanh toán tiền trợ giá của quý 1-2020, ngay từ rất sớm, Trung tâm đã báo cáo Sở GTVT kiến nghị thành phố quyết định hình thức để chi trả cho các doanh nghiệp vận tải buýt. TP đã giao cho các sở, ngành chức năng xem xét và hy vọng, trong tháng 12/2020 sẽ có quyết định cuối cùng.

Sản lượng khách giảm mạnh

Thừa nhận năm 2020, các doanh nghiệp vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như sản lượng khách sụt giảm, dòng tiền gián đoạn… ông Phương cho hay, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo lên thành phố để có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch.

Trong báo cáo mới nhất gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 8/2020, qua khảo sát trên toàn hệ thống, một số chỉ tiêu (lượt xe, sản lượng, doanh thu, chi phí, trợ giá) đối với 104 tuyến buýt trợ giá cơ bản không đạt so với kế hoạch năm 2020 và cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt (giảm 26,8% so với cùng kỳ), trong đó xe buýt trợ giá đạt 203,4 triệu lượt hành khách (đã bao gồm khách đi xe buýt miễn phí), giảm 23,8% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 291,1 tỷ đồng, giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020…

Tuy nhiên, theo ông Phương, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên cho vận tải khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị để tiến tới thực hiện giảm phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, trong năm 2021, thành phố sẽ mở mới khoảng 17 tuyến xe buýt, đưa vào vận hành thí điểm 10 tuyến buýt điện, đầu tư thêm các điểm dừng đỗ để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với xe buýt.

Ngoài ra, trong quý 1-2021 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đi vào hoạt động, rồi đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội hoạt động vào đầu năm 2022 cũng sẽ giúp vận tải khách công cộng tăng sản lượng, dần thay đổi thói quen và hành vi của người dân. Đến năm 2025 cơ bản sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra đối với vận tải khách công cộng trên địa bàn thành phố.