Thực hư thông tin “giải cứu vải thiều Lục Ngạn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trước thông tin cho rằng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) khó tiêu thụ, phải “giải cứu”, lãnh đạo huyện Lục Ngạn cho biết, việc tiêu thụ đặc sản này vẫn khá thuận lợi.
Lục Ngạn nâng cao chất lượng quả vải thiều để đẩy mạnh tiêu thụ

Lục Ngạn nâng cao chất lượng quả vải thiều để đẩy mạnh tiêu thụ

Gần đây có một số thông tin cho rằng, do Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero Covid” nên ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ quả vải thiều của Lục Ngạn, khiến đặc sản này khó tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có 96 điểm cân, thu mua vải; lũy kế sản lượng tiêu thụ vải chín sớm 3.938 tấn; giá bán sản phẩm đang dao động từ 18.000 - 35.000 đồng/kg.

Trao đổi với báo chí, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, xác định trước việc tiêu thụ vải thiều sang Trung Quốc năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nên ngay từ sớm, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã xây dựng nhiều phương án tiêu thụ, đa dạng các thị trường để hạn chế rủi ro.

Hiện, sản phẩm vải chín sớm của Lục Ngạn được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa khoảng 2.067 tấn (các tỉnh phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc);

Xuất khẩu khoảng 1.795 tấn (chủ yếu sang thị trường Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn).

Ngoài ra, huyện còn có 2 lò sấy vải (công nghệ sấy điện) đã hoạt động, sản lượng sấy đạt 9,5 tấn vải khô thành phẩm.

Về vấn đề xuất khẩu, toàn huyện có 35 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận với diện tích 11.423 ha và 237 cơ sở đóng gói; 30 mã vùng được Nhật Bản chấp nhận cấp mã số vùng trồng với diện tích 224,5 ha và 1 cơ sở đóng gói.

Hiện nay, huyện vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm vải thiều trước khi bán (xử lý sạch lá, cắt cuống, loại bỏ quả không đạt chất lượng, bó túm đúng trọng lượng…).

Ngoài ra, huyện còn thí điểm cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm, hỗ trợ người dân chế biến, thu hoạch… để đảm bảo tiêu thụ tốt cho sản phẩm.