Thực hiện sai quy định pháp luật, hơn 10 nghìn cán bộ xã bị vướng chế độ bảo hiểm xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, các vướng mắc phát sinh liên quan tới nhóm Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND cấp xã không phải do quy định của pháp luật mà do trong quá trình tổ chức thực hiện có nơi, có giai đoạn chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Người dân làm thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội

Người dân làm thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND cấp xã.

Trong báo cáo của mình, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo ý kiến của Bộ Nội vụ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND cấp xã phát sinh vướng mắc vì cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số trường hợp không thuộc diện tham gia.

Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội qua các thời kỳ từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo hợp đồng lao động trong các thành phần kinh tế thời gian vừa qua là phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội của người dân, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành thời gian vừa qua bảo đảm theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các vướng mắc phát sinh liên quan tới nhóm Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải do quy định của pháp luật mà do trong quá trình tổ chức thực hiện có nơi, có giai đoạn chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với Phó Chỉ huy trưởng quân sự xã, Phó trưởng Công an xã, theo quy định của Chính phủ trước năm 2016 có giai đoạn nhóm đối tượng này không phải công chức, nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn thực hiện thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (thực hiện sai quy định của Chính phủ)...

Để giải quyết triệt để vướng mắc trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần có số liệu chi tiết, cụ thể để xác định tác động của các phương án.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có trên 10 nghìn người là Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại Ủy ban nhân dân cấp xã đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do số liệu thống kê chưa làm rõ được trong các trường hợp này thì có bao nhiêu trường hợp thu không đúng; tổng thời gian và số tiền đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng đối tượng nên chưa đủ thông tin, số liệu để tính toán chi tiết tác động của mỗi phương án đề xuất.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, trước khi đưa ra các phương án tháo gỡ vưỡng mắc, cần xem xét kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã thực hiện sai quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thời gian vừa qua.

Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (với vai trò là cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách) và Bộ Nội vụ (là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ với vai trò là người sử dụng lao động trong hệ thống các cơ quan hành chính tại địa phương) phối hợp, đề xuất phương án cụ thể.