“Thực đơn” G-20 khó nuốt

ANTĐ - Các nhà lãnh đạo của 20 quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới đã bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh G-20 trong hai ngày 3 và 4-11 tại Cannes (Pháp) với “thực đơn” chính song rất khó nuốt, đó là giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Nguyên thủ các nước tại Hội nghị thượng đỉnh G-20

Tuyên bố của chính phủ Hy Lạp muốn tổ chức trưng cầu ý dân về thoả thuận cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho nước này đã phủ bóng đen lên Hội nghị thượng đỉnh G-20. Lãnh đạo của 20 quốc gia chiếm 85% GDP toàn cầu trước đó đã lên kế hoạch tới Cannes để thương thảo, tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang đè nặng lên châu Âu và nền kinh tế thế giới.

Chưa thoát khỏi cơn suy thoái kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế Mỹ năm 2008, kinh tế thế giới lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng tại châu Âu. Giới kinh tế cho rằng, nợ công ở châu Âu đang làm chao đảo các thị trường trên thế giới, đặc biệt tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh nước này đang chống chọi với cuộc khủng hoảng việc làm và sự phục hồi chậm của nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện là trở ngại lớn nhất đối với nền kinh tế vốn đang mong manh của nước này. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho rằng, cả thế giới đang chờ đợi giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu mà giờ đây đã biến thành một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, việc giải quyết và ngăn chặn không để cuộc khủng hoảng nợ công gây thêm những ảnh hưởng tiêu cực được xem là ưu tiên số một trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Cannes. Thế nhưng, thái độ chần chừ của Hy Lạp, mắt xích yếu nhất trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, trong việc tiếp nhận khoản cứu trợ đã khiến không chỉ EU mà cả thế giới lo ngại.

Nếu không có khoản cứu trợ và cũng là “toa thuốc đắng” trị giá hơn 100 tỷ euro này, Hy Lạp rất có thể phải tuyên bố vỡ nợ. Kéo theo đó là cuộc khủng hoảng dây chuyền lan ra nhiều quốc gia khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chính vì thế, giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo G-20 chắc chắn sẽ gây áp lực rất mạnh để Hy Lạp buộc phải tiếp nhận gói cứu trợ với những biện pháp thắt chặt ngân sách ngặt nghèo. Tổng thống nước chủ nhà Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định muốn Hy Lạp tiếp tục ngồi trên “con thuyền” Eurozone, song ông cảnh báo Athens không được phép “tự chèo thuyền theo một hướng”.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng sẽ tìm giải pháp để duy trì sự phục hồi ổn định của nền kinh tế thế giới, trước hết là các trung tâm kinh tế như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu; đồng thời yêu cầu các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô của mình để duy trì đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, G-20 sẽ tìm cách đảm bảo nguồn lực tài chính cho IMF để định chế này có đủ năng lực cần thiết góp phần ổn định nền kinh tế thế giới.