Thúc đẩy thị trường mua bán nợ: Cần hoàn thiện pháp lý, đa dạng hóa chủ thể tham gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát triển thị trường thứ cấp, chứng khoán hóa khoản nợ, cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường mua bán nợ… là những gợi ý giúp thị trường mua bán nợ Việt Nam sôi động, hiệu quả hơn.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ đã, đang và sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống doanh nghiệp.

Cách đây 1 năm (15/10/2021), sàn giao dịch nợ VAMC đã chính thức ra mắt. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động mua bán nợ trên sàn diễn ra kém sôi động.

Từ thực tế này, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Đó là khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu. Thị trường chưa thu hút được đa dạng thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít. Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng. Quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực.

Kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường. Hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Sàn giao dịch nợ của VAMC ra đời 1 năm nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả

Sàn giao dịch nợ của VAMC ra đời 1 năm nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả

Nghiên cứu thực tế từ một số nước thị trường mua bán nợ thành công như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những yếu tố giúp cho thị trường mua bán nợ các nước trên phát triển là nhờ khuôn khổ pháp luật chặt chẽ, chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; quy định tiêu chuẩn về việc định giá nợ và tài sản đảm bảo.

Cùng với đó, các loại hàng hoá trên thị trường đa dạng, trong đó khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường. Và điều kiện quan trọng nữa là phát triển thị trường thứ cấp.

TS Cấn Văn Lực kiến nghị, để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ.

Trong đó, bổ sung các chủ thể tham gia thị trường gồm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; mở rộng phương thức mua bán nợ, trong đó, cho cho phép chứng khoán hóa.

Đặc biệt, sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và nhu cầu thời gian tới.

Đồng thời, phải nhất quán, đồng bộ quy định việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân khi sửa Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản; phát triển thị thứ cấp, tăng tính thanh khoản; đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, tăng năng lực tài chính cho VAMC…

Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

Do đó, NHNN và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả, thực hiện được đầy đủ chức năng nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai.