Thực chất là cho vay nặng lãi

ANTĐ - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, bất động sản hiện nay được coi là “cục máu đông” lớn nhất của nền kinh tế, vì vậy các doanh nghiệp, công ty đã vạch ra chủ trương đẩy mạnh giải phóng “hàng tồn kho”. Nhưng cũng chính các chuyên gia này đưa ra lời cảnh báo, một số doanh nghiệp bất động sản có thể “cài bẫy” người tiêu dùng. Cùng với các gói tín dụng cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại, nhiều chủ đầu tư “nhử mồi” bằng hỗ trợ thêm phần lãi suất cho khách hàng thêm 4-5%, đưa lãi vay về mức 7-11%/năm.

Tuy vậy, điều đáng quan tâm là: Sau thời gian hỗ trợ lãi suất, ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào? Điều gì có thể đảm bảo chắc chắn rằng, lãi suất mới không tăng vọt. Nên nhớ, hầu hết các hợp đồng mua nhà có cam kết vay vốn thì các ngân hàng chỉ để thời gian vay vốn với mức lãi suất ưu đãi khoảng 3-6 tháng hoặc 1 năm đầu tiên.

Trong khi đó, thời gian trả nợ có thể kéo dài 3-10 năm. Đã từng xảy ra chuyện khi lãi suất tăng vọt, người vay tiền mua nhà “méo mặt” vì tiền vẫn phải đóng đều đặn mà lãi suất ngân hàng tăng lên chóng mặt. Đáng lo ngại nhất là, người mua nhà “ôm” phải dự án dở dang, chủ đầu tư huy động vốn rồi “đắp chiếu” vô thời hạn. Người mua nhà rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Một chuyên gia có uy tín chỉ rõ, trong bối cảnh hàng tồn kho của doanh nghiệp chồng chất,  nợ xấu ngân hàng tăng cao, vậy mà lãi suất huy động, lãi suất cho vay lại cùng một mức và cho vay bất động chỉ là 0%. Vị chuyên gia khuyến cáo, cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng cho người tiếp cận vốn vay bất động sản rằng, ưu đãi là có thời hạn, trong khi bản chất đầu tư bất động sản là dài hạn. Khi quyết định đầu tư, lãi suất ưu đãi chỉ một vài tháng, song một năm sau, người vay sẽ phải đối mặt với khả năng bị phát mãi tài sản. 

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, bất động sản chính là hàng tồn kho của ngân hàng, bởi vì tài sản thế chấp của ngân hàng chủ yếu là bất động sản cho nên người dân phải hết sức thận trọng. Trong khi ưu đãi, “mời chào” cho vay bất động sản, thì nhiều ngân hàng thương mại lại “bày đặt” đủ các loại phí, khiến lãi suất cho vay công bố là 15%/năm, song thực chất lên tới 16-17%/năm, chưa kể phí “bôi trơn”.

Đây được coi là những “chướng ngại vật” làm cho các doanh nghiệp khó vượt qua. Một số doanh nghiệp đã lên tiếng “tố” ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước, miệng thì mời chào mức lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với ngân hàng quốc doanh, nhưng trước khi giải ngân, doanh nghiệp phải “è cổ” nộp các khoản phí chồng phí như phí dịch vụ tư vấn, phí thẩm định hồ sơ, phí giải ngân, phí quản lý hồ sơ… Mỗi khoản phí được tính theo tỷ lệ phần trăm trên khoản vay và thay đổi theo từng thời điểm. Nếu cộng dồn toàn bộ các khoản phí, lệ phí thì lãi suất cao hơn lãi suất ghi trong hợp đồng từ 1,5-2%. Chưa hết, doanh nghiệp còn phải tự trả tiền các loại phí quản lý hồ sơ, phí bảo hiểm khoản vay… từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Không như phí giao thông, phí bệnh viện, hoặc phí trường học đều bị dư luận lên tiếng phản ứng, phí ngân hàng được cho là “hợp lý” mà doanh nghiệp phải ngầm hiểu nếu không chi phí “ra tấm ra món” thì không được “chạm” tay lên đồng tiền. Đây phải chăng là cho vay nặng lãi một cách hợp pháp?