Thừa và thiếu

ANTĐ - Bộ Giáo dục vừa quyết định giảm số môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn xuống còn 4 môn, bỏ luôn cả “điểm sàn” thi tuyển đại học, cao đẳng.

- Học sinh thở phào, phụ huynh hoan hỉ vì áp lực thi cử giảm, nhưng có lẽ sướng nhất là cánh cổng các trường đại học sẽ rộng mở chứ không hé mở như trước.

- Tất nhiên rồi, song tôi e rằng nay mai các trường dạy nghề sẽ càng “toát mồ hôi” mỗi mùa tuyển sinh. Mỗi năm có khoảng  1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, nhưng có tới 80% đổ xô, chen chúc vào các trường đại học, cao đẳng, chỉ có chừng 10% học nghề.

- Ngành dạy nghề từng lên tiếng kêu rằng, tâm lý “cùng đường mới học nghề” đã ăn sâu, bám rễ vào học sinh và phụ huynh. Thậm chí học sinh có thi trượt cũng không chịu học nghề.

- Cùng đường mới học nghề, tức là không có sự lựa chọn nào khác. Ngoài tâm lý sính bằng cấp cũng phải thừa nhận rằng, thực tế xã hội vẫn trọng dụng, ưu ái “anh” đại học hơn “anh” công nhân kỹ thuật.

- Xưa có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nay nghề tinh thông chưa chắc thân đã vinh, nói gì nghề ngỗng ú ớ, thầy không ra thầy, thợ không ra thợ.

- Xin ông đừng động đến “nỗi đau” thừa và thiếu của xã hội. Thừa thầy thiếu thợ; thừa người bệnh, thiếu giường nằm; thừa hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thiếu người xử lý; thừa rau bẩn, thực phẩm độc hại, thiếu giải pháp triệt để; thừa lãng phí, tiêu cực, thiếu…

- Kể đến… Tết cũng không hết nghịch cảnh thừa - thiếu hầu như muôn thuở ở ta. Đấy là nỗi đau đầu không chỉ của riêng ngành nào, lĩnh vực nào, đau mãi mà không có thuốc đặc trị.