Thừa trang phục thiếu thẩm mỹ

ANTĐ - Phục trang trong những bộ phim của điện ảnh Việt Nam từ lâu đã bị giới phê bình và khán giả phàn nàn. Phim lịch sử khó chọn trang phục đã đành, phim lấy bối cảnh hiện đại mà diễn viên ăn mặc cũng không phù hợp với vai diễn, nếu như không muốn nói là lố bịch. Vì sao mà điện ảnh Việt Nam không thể “thoát” ra được cái lỗi sơ đẳng này?


Sàn diễn thời trang di động

Xem phim Việt, chuyện trang phục không hợp bối cảnh, hay có những diễn viên mặc cùng một bộ trang phục khi đóng nhiều phim khác nhau đã trở thành “chuyện thường”. Để lý giải việc này cũng có rất nhiều nguyên nhân như: vấn đề kinh phí, sự áp đặt của nhà tài trợ, hoặc stylist của phim có phần quá đà khi tạo dựng hình ảnh nhân vật, cũng có khi do sự dễ dãi của đạo diễn và sự thiếu hiểu biết của diễn viên…  Lỗi đầu tiên phải kể đến là do “các nhà tài trợ”. Khi phim có sự tham gia của những người mẫu, diễn viên  nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn. Đó là cơ hội để các hãng thời trang có “đất” để phát triển thương hiệu, quảng bá tên tuổi của mình. Và một khi “nhà tài trợ” đã được chọn, thì nhất nhất diễn viên trong phim phải “diện” trang phục của nhà tài trợ, bất kể nhiều khi có phần kệch cỡm.

Thế nên mới có chuyện diễn viên vào vai một tay anh chị nhưng lúc nào cũng diện thời trang công sở, thậm chí những bộ trang phục đó còn có phần không phù hợp với lứa tuổi. Hay cách đây không lâu khán giả theo dõi bộ phim Bí mật Eva luôn thấy các nhân vật trong phim khi shopping, họ chỉ tìm hiểu và đến tham quan mua sắm tại chuỗi cửa hàng Eva De Eva. Một, hai lần còn đỡ, nhưng kéo dài hầu hết trong các tập phim đều có cảnh shopping trong cửa hàng này khiến khán giả phát ngán. Ngược thời gian về trước, bộ phim Dốc tình đã được hãng thời trang có tiếng của Việt Nam tài trợ trang phục, nhưng khán giả vẫn nhận ra những mẫu mốt lạc hậu, không phù hợp với nhân vật. Gần đây, NSƯT Minh Hòa tham gia diễn xuất cả 2 bộ phim Chủ tịch tỉnh và Ngôi biệt thự màu tro lạnh, oái oăm thay 2 bộ phim này được trình chiếu sát thời điểm trên kênh VTV1. 2 nhân vật của NSƯT Minh Hòa đã na ná nhau về tính cách, lại thêm sự đồng điệu về trang phục là những bộ thời trang công sở khiến nhiều khán giả có sự nhầm lẫn.  Và cũng vì tính thương mại, mà nhiều nhà sản xuất phim cùng các hãng thời trang đã chung tay biến điện ảnh thành sàn diễn thời trang di động.


Tạo hình quá đà

Một tác nhân thứ hai nữa là do các đạo diễn đã tạo hình cho các nhân vật một cách quá đà khiến cho diễn viên trở nên lố bịch trước màn ảnh. Bộ phim Cô gái xấu xí được phát sóng trên truyền hình vài năm trước đây, nhân vật Phương Trinh là một nhân vật phản diện luôn mang trên mình những trang phục bó sát, hở hang. Váy của Phương Trinh trong phim luôn ngắn, còn phần trên thì luôn trễ nải để lộ rõ những đường cong cơ thể bắt mắt của diễn viên. Có lẽ những nhà làm phim đã thiếu tôn trọng khán giả, và xa rời thực tế khi ít có công sở nào để nhân viên diện những bộ trang phục “gợi cảm” đó đến văn phòng thường xuyên. Hay những bộ phim dành cho tuổi teen đều mang đồng phục hiện đại như những nước phát triển. Những bộ trang phục đó đều lạ lẫm với những teen Việt, và xa rời thực tế khi có những cảnh mặc váy đồng phục đi xe đạp, đi tất giữa trời nắng nóng… như trong bộ phim Những thiên thần áo trắng.

Diễn viên sợ… xấu

Còn một nguyên nhân nữa dẫn đến sự thiếu thẩm mỹ và dễ dãi trong việc lựa chọn phục trang cho diễn viên chính là do các diễn viên thích tự “khoe”, thích tự làm đẹp mình mà không chú ý đến nhân vật mà mình đang đảm trách. Điều đó cho thấy, diễn viên chưa biết hy sinh về nghệ thuật mà nói cho cùng là sự thiếu hiểu biết. Thế nên mới có chuyện xem phim Việt Nam, khi diễn viên đi ngủ mà vẫn “mắt xanh, mỏ đỏ”, thậm chí cả khi nhân vật bước từ phòng tắm ra, mặt vẫn còn trát bự son phấn. Khán giả xem phim Việt rồi bình luận: Diễn viên Việt Nam đi tắm mà không bao giờ rửa mặt quả không ngoa chút nào. Còn ăn mặc thì tùy tiện, mặc theo sở thích của mình chứ không phải mặc theo nhân vật.

Nhà sản xuất Lê Thanh Tùng (50mm Film Productions) chia sẻ: Nhiều người mẫu, diễn viên tận dụng cơ hội lên phim để khoe quần áo, gu thẩm mỹ… Nên trong nhiều bộ phim, khán giả thường thấy tốc độ thay đổi quần áo khá nhanh khiến cho nhân vật của họ trở thành một tủ thời trang di động. Ngày càng hiếm diễn viên chịu xấu, chịu khổ để có vai diễn chân thực. Bên cạnh đó, còn một số diễn viên cố gặng diện cho mình những trang phục không hợp lứa tuổi, có phần nóng bỏng sexy là điều thường thấy. Nhà biên kịch Lê Quốc Đạt tâm sự đã từng có một số bộ phim mà  bối cảnh lùi xa mấy chục năm, các nhà làm phim đã được đầu tư trang phục cho phù hợp hoàn cảnh như áo bà ba, áo cánh cho diễn viên… Nhưng đã có một số diễn viên đã tự mang trang phục đi chiết thêm eo, khoét sâu cổ… Và khi phim kết thúc, nhiều chiếc áo đã không trở lại với nhà sản xuất. Cần xây dựng quy chuẩn về trang phục là điều cần thiết khi chuyên nghiệp hóa làm phim.

Chung quy đổ tại… thiếu tiền

Một lý do muôn thuở dẫn đến sự tùy tiện trong phục trang của phim Việt đó là sự thiếu tiền, thiếu kinh phí. Trong khi các phim nước ngoài, có hẳn một phần kinh phí riêng để đầu tư cho phục trang, đạo cụ thì ở Việt Nam đạo diễn cho diễn viên tự chọn trong… tủ quần áo của mình. Có nhiều bộ phim nước ngoài họ phải may hàng loạt quần áo, rồi lại đổ vôi để làm bạc màu cho cũ cho hợp chứ không như phim Việt Nam, bộ đội trong chiến tranh lúc nào cũng mặc quần áo mới tinh còn nguyên nếp gấp. Cũng vì không có tiền thiết kế trang phục cho phim nên có rất nhiều diễn viên có một bộ quần áo nhưng mặc ở rất nhiều phim. Nhiều diễn viên có mức thu nhập thấp, không đủ để lo nhiều trang phục khi tham gia diễn xuất, nên nhiều lúc họ “liều mình” mặc 1 bộ trang phục để đóng nhiều phim. Mặc dù những bộ phim đều được quay vào thời điểm khác nhau nhưng thời điểm chiếu đôi khi lại gần nhau nên khán giả dễ dàng nhận biết. Cũng có những diễn viên họ có “tủ phục trang” riêng, khi nào được mời vào vai nào tương tự là họ xách theo trang phục đi diễn. Nhiều diễn viên cũng đã biết chọn trang phục, song dù sao cũng là sự dễ dãi và dẫn đến sự trùng lặp trang phục ở các bộ phim khác nhau.

Trong phim Cánh đồng bất tận, nhà quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên cùng nhau lang thang vào trong làng để thực hiện một công việc như trong chuyện “Aladin và cây đèn thần”: Ai đổi đồ cũ lấy đồ mới không? Chúng tôi mang rất nhiều đồ mới xuống để có thể đổi tất cả những dụng cụ, thiết bị lao động như mái chèo, cuốc, cày… Đi tất cả các nhà dân nhặt nhạnh tất cả các quần áo thừa, cũ nát. Thật sự nguy hiểm bởi tất cả những thứ đó có số lượng duy nhất là 1 bộ, không giống nhau. Mà nguyên tắc của đoàn làm phim thì 1 bộ quần áo của một diễn viên nói chung tùy theo từng thể loại phải có từ 5 đến 10 bộ để đề phòng mất, rách cho cảnh A, cảnh B… Những bộ quần áo diễn viên mặc trong phim toàn bộ là của những người dân lao động ở đó, tự nó cũ qua thời gian mà không thể làm bằng những phục trang mới được”. Vấn đề kinh phí sản xuất phim chính là tác nhân gây nên sự thiếu thẩm mỹ của những bộ trang phục. Và nếu như kinh phí làm phim không đủ lo trang phục, thì diễn viên sẽ phải tự xoay sở cho vai diễn của mình. Và nếu như kinh phí hay tiền công diễn xuất không nhiều, thì diễn viên sẽ diện những bộ trang phục sơ sài, và lặp lại nhiều lần. Còn nếu như diễn viên có đủ điều kiện kinh tế, họ sẽ tự lo trang phục cho mình một cách thái quá.

Qua nhiều vai diễn sướng, khổ, giàu, nghèo… người diễn viên đó vẫn sẽ diện những bộ trang phục phải… đẹp nhằm tạo ấn tượng với khán giả. Còn những bộ phim được nhãn hàng thời trang tài trợ trang phục thì dễ nhận thấy những chiêu thức quảng cáo, lăng xê những mẫu thời trang của hãng đó. Và nếu như được nhà làm phim đầu tư thêm kinh phí cho trang phục thì họ cũng chưa coi trọng việc này. Cũng có trường hợp con mắt thẩm mỹ của họ chưa tốt dẫn tới việc nhiều bộ phim có trang phục xa rời thực tế và không thực sự logic. Trang phục phải góp phần cùng câu chuyện, bối cảnh tạo nên không khí cho bộ phim. Trang phục trong phim đẹp và đúng bối cảnh không chỉ mang lại cho bộ phim sự chân thực mà cũng là tiêu chí hạn chế tình trạng bát nháo của trang phục trong phim Việt.

Điểm qua những nguyên nhân gây nên sự thiếu thẩm mỹ cho trang phục trên phim Việt thì thấy rằng chung quy lại vẫn là một nguyên nhân rất lớn - sự thiếu chuyên nghiệp của điện ảnh Việt Nam.