Thừa nhà, dân vẫn không mua nổi

ANTĐ - Ngày 12-9, tại hội thảo “Thị trường bất động sản giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng”, con số dư nợ tín dụng BĐS bất ngờ “nóng” trở lại bởi sự thiếu thống nhất giữa chuyên gia với các bên có liên quan. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết BĐS đóng băng, dư thừa nhưng phần đông người có nhu cầu thực sự lại không thể với tới.

Nhà đất tồn kho rất lớn, thậm chí bỏ hoang nhưng người thu nhập thấp vẫn không thể chạm tới 
 Nhà đất tồn kho rất lớn, thậm chí bỏ hoang nhưng người thu nhập thấp vẫn không thể chạm tới

Dư nợ 348 nghìn tỷ đồng

Con số dư nợ tín dụng 348 nghìn tỷ đồng mà TS. Vũ Đình Ánh đưa ra tại hội thảo ngay lập tức đã nhận được sự chú ý đặc biệt. Con số này khiến nhiều người giật mình bởi trái ngược với những công bố của cơ quan quản lý. Theo TS. Vũ Đình Ánh, cho vay BĐS tăng chứ không giảm, thậm chí tăng cao. Ông nói: “Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lĩnh vực nông thôn - nông nghiệp được khuyến khích vay thì lại “âm”, kinh doanh bất động sản không được khuyến khích nhưng lại tăng hơn 5,8%”, TS Vũ Đình Ánh dẫn chứng thêm: “Con số mà tôi công bố được lấy từ Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm tháng 4 vừa qua, trong một danh mục dài thì có mục cho vay ngành xây dựng và một mục cho vay kinh doanh BĐS. Con số của Tổng cục Thống kê khi gom hai lĩnh vực này vào thì cũng ra con số 348 nghìn tỷ chứ không phải hơn 150 nghìn tỷ đồng”.

Không đồng tình con số “348 nghìn tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc cho vay được Ngân hàng Nhà nước chia ra rất nhiều loại cụ thể như cho vay xây dựng khu công nghiệp, cho vay sửa chữa nhà ở, cho vay để mua nhà, cho vay để đầu tư BĐS. Mỗi quý, các bộ, ngành đều có báo cáo liên quan tới vấn đề này. “Nhưng quan niệm thế nào là BĐS và dư nợ BĐS ảnh hưởng như thế nào còn phải trao đổi rất nhiều.” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh. Ông cho rằng, dư nợ BĐS không thể tính cả vay để xây nhà máy, làm đường, làm cầu… hay người dân vay để xây nhà để ở, cũng không nên tính vào kinh doanh BĐS.

Tồn kho tăng vọt

Dù BĐS đóng băng và giá nhà đất đã giảm đáng kể, song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, phần đông người dân vẫn cách khá xa chốn an cư của mình. Giả định với nhóm đối tượng có mức thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng/năm thì họ cũng phải mất tới hơn 20 năm không tiêu dùng gì mới đủ để mua một căn nhà bình thường trị giá khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng hoặc mất hơn 5 năm nếu cả gia đình 4 người có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng không tiêu dùng gì. Đó là chưa nói mức thu nhập chênh lệch theo vùng miền còn làm bức tranh cung cầu trên thị trường BĐS thêm khập khiễng. 

Từ thực tế trên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, rõ ràng, sự gia tăng quá nhanh đi đôi với mất cân đối về cơ cấu nguồn cung (cả cung thực tế và cung tiềm năng), đặc biệt đặt trong mối tương quan không đối xứng với cầu có khả năng thanh toán đối với BĐS, khiến cho thị trường hoặc mang đậm nét đầu cơ, tạo ra bong bóng hoặc dư cung khiến cho tồn kho BĐS tăng vọt trong khi nhu cầu thật còn rất cao lại chưa được đáp ứng.

Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại lạc quan hơn về thị trường BĐS. Ông cho rằng, thị trường BĐS đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Tuy vậy, việc huy động các nguồn vốn từ tất cả các chủ thể trong nền kinh tế vẫn là yêu cầu hàng đầu trong việc quản lý và phát triển thị trường. Với quan điểm cơ quan quản lý thị trường BĐS cần được đặt ngang tầm với vị trí của thị trường BĐS, chuyên gia này đề xuất cho ra đời một cơ quan cấp Tổng cục để quản lý BĐS và thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, một trong những động thái điều hành quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay là hướng đến tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đối với thị trường BĐS. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm và đến trước Tết Âm lịch Quý Tỵ, tổng dư nợ tín dụng cho hệ thống BĐS cần lập lại mốc của năm 2009-2010.