Thua lỗ vẫn trả lương cao?

ANTĐ - Tiếp tục câu chuyện về mức lương bình quân “thấp, không đủ sống” tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáng 22-11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, nói lương 7,3 triệu đồng/tháng mà không sống được thì phải xem lại.

- Thảo luận về Luật Lao động (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng, mức lương tối thiểu không đảm bảo cuộc sống, theo bà, ý kiến này có đúng không?

- Các đại biểu phát biểu như vậy là đúng. Để đảm bảo mức sống tối thiểu, có ĐBQH nói là phải tăng lương tối thiểu tới 60%. Tuy nhiên, có thực tế là tiền lương phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế. Do vậy, tới đây Chính phủ cho rằng phải xây dựng luật về tiền lương tối thiểu và giao Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị nội dung dự luật này. Có điều, hiện nay, nếu so sánh người lao động trong khối hành chính sự nghiệp với mức lương tối thiểu 830 nghìn đồng, còn khối doanh nghiệp ở thành phố là 2 triệu đồng, như vậy là có phần ưu tiên cho doanh nghiệp. Thế nên, chúng tôi đang nghiên cứu tiếp để điều chỉnh vấn đề này.

 - Nhiều ĐBQH nói doanh nghiệp phải xây dựng bảng lương trên cơ sở lương tối thiểu, thưa bà?

- Dự thảo luật đã trình ra Quốc hội và đang có hai luồng ý kiến. Một cho rằng, cần có thang bảng lương để bắt buộc các doanh nghiệp căn cứ vào đó xây dựng bảng lương cho người lao động. Nhưng cũng có ý kiến nói không cần vì doanh nghiệp có khả năng thì có thể vượt trên khung tối thiểu đó.

- Nhưng nếu không kiểm soát được thang bảng lương thì khó có thể đảm bảo được quyền lợi của người lao động?

- Chính tôi cũng đã phát biểu rằng, có bảng lương mà doanh nghiệp còn không thực hiện thì chúng ta phải kiểm soát, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Nên việc xây dựng mức lương tối thiểu bắt anh trả là cần thiết, còn nếu anh trả càng cao hơn thì càng tốt. Vì thế, Chính phủ sẽ chuẩn bị một dự luật về lương tối thiểu ngay trong nhiệm kỳ này.

- Lãnh đạo EVN cho biết, lương trung bình của cán bộ, viên chức là 7,3 triệu đồng/người/tháng mà vẫn cho là “thấp, khó sống ở thành thị”, bà nghĩ sao?

- Nếu nói lương 7,3 triệu đồng mà không sống được thì không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì thực tế, lương tối thiểu khối doanh nghiệp là 2 triệu đồng và mức đó được xem là tạm ổn, còn so với mức 830 nghìn của khối công chức thì nói khó khăn còn có lý. Thế nên, nói 7,3 triệu đồng mà không sống được thì cần xem lại.

- Trong khi EVN nói đang lỗ trên 10.000 tỷ đồng mà trả lương như vậy có xứng đáng không, thưa bà?

- Xứng đáng hay không thì tôi không bình luận. Nhưng tôi nghĩ bao giờ trả lương cũng phải phù hợp với kết quả hạch toán kinh doanh. Nếu anh không có lãi mà anh trả lương cao thì đó là điều khó chấp nhận.

- Vậy Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiểm tra việc trả lương của EVN?

- Trước mắt, chúng tôi có thể yêu cầu xem lại EVN trả lương cho người lao động đã phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị hay chưa. Nếu còn có ý kiến khác nhau và thấy bất hợp lý thì chúng tôi sẽ kiến nghị phải làm theo cơ chế hiện hành của Nhà nước và có thể tiến hành kiểm tra. Đến nay, chúng tôi không chỉ có kế hoạch kiểm tra việc trả lương của ngành điện mà đã đi kiểm tra một số đơn vị về trả lương trên thang bảng và định mức và một số nơi chưa làm được.

ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên): 7,3 triệu đồng/tháng là mơ ước của nhiều ngành

“Mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng của cán bộ, công nhân, viên chức ngành điện nếu so với nhiều ngành khác thì cũng là mơ ước rất lớn vì tiền lương tối thiểu của người lao động ở khu vực 1 (Hà Nội) chỉ 2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa nói tới việc mức 7,3 triệu đồng/tháng đó có bao gồm các khoản khác hay không. Còn tất nhiên, so với một vài lĩnh vực khác trong bối cảnh hiện nay thì 7,3 triệu cũng không hẳn là cao lắm. Về chính sách tiền lương chung hiện nay, theo tôi, phải có sự kết hợp lương tối thiểu của cả ngành, địa phương, vùng để trên cơ sở đó xây dựng tiền lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu đó phải kèm cả thang, bảng lương nữa chứ nếu cứ “thả” ra thì không ổn và người lao động sẽ phải làm cật lực để có thể có lương tối thiểu. Đó là thủ thuật của người sử dụng lao động”.