Thừa giấy làm chi chẳng...

ANTĐ - Thôi cố mà bóp mồm, bóp miệng chờ đến ngày 3-9, khi có Thông tư 33 của “ông Bộ” nông nghiệp thì “thả cửa” mà ăn thịt mệt nghỉ.

- Tôi chả tin họ có một “bàn tay sắt” có thể nắm được từng miếng thịt bày bán trên 1.200 chợ tạm bợ ở Hà Nội. Chưa kể hàng nghìn hộ giết mổ nhỏ lẻ nằm len lỏi ở 19 huyện ngoại thành.

- Làm dân phải lắng nghe, tin tưởng và chấp hành đã. Theo Thông tư 33, thịt tươi sống chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C và chỉ được bán trong 72 giờ. Còn dạ dày, ruột non, ruột già ở nhiệt độ trên chỉ được bán trong 24 giờ.

- Chỉ có các ông “thú y” với khứu giác, xúc giác tinh nhạy may ra mới biết được thịt tươi, thịt héo, thịt ôi. Cứ theo Thông tư này thì mỗi chợ phải bố trí cả một “đội quân” thú y đông đảo. Rồi mỗi chợ phải trang bị hàng chục cái tủ lạnh hoặc xây hẳn kho lạnh để chứa thịt.

- Người trần mắt thịt đã khó kiểm dịch chất lượng thịt, mới thông cảm cơ quan quản lý càng khó đảm bảo an toàn vệ sinh miếng thịt, miếng ăn đến “cửa khẩu” người dân. Vì thế họ phải “vắt óc nặn ra” cái thông tư thực hiện đó.

- Không khả thi sao vẫn cứ cố “vẽ” ra những quy định viển vông, cứ như ở bên Tây. Trong khi gà lậu, thịt bẩn, lục phủ nội tạng hôi thối, rồi rau củ quả từ phương Bắc tràn sang vẫn chưa có thông tư, chỉ thị nào ngăn cản nổi.

- Ông không thấy, cứ độ một thời gian, có ông quản lý bỗng dưng “vẽ” ra một văn bản quy định khiến cả xã hội phải giật mình, rùng mình à?

- Tôi hiểu rồi, có khó khả thi thì người ta mới “sáng tạo” nghĩ ra, chứ dễ thì ai chả làm được. Vậy nên mới có câu: Thừa giấy làm chi chẳng “vẽ” văn bản, thông tư... chơi. Ta chớ nên dỗi hơi bàn vào, bàn ra cho nó mệt.