Thua chiếc cúp, thua cả nền bóng đá

ANTĐ - Không có lý do nào biện minh cho trận thua đạm 0-6 của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan ngoài 2 từ: Đẳng cấp. Bóng đá Việt Nam không chỉ thua kém Thái Lan một chiếc cúp giải trẻ, mà thua toàn diện.

Suốt hơn 2 thập kỷ qua, bóng đá Thái Lan luôn là kỳ phùng địch thủ với các đội tuyển Việt Nam. Ngay cả thời điểm những Minh Phương, Thành Lương, Công Vinh... đánh bại người Thái trong đêm Mỹ Đình lịch sử năm 2008 để giương cao chiếc cúp AFF thì trong suy nghĩ những người làm chuyên môn, chiến thắng đó cũng chỉ là nhất thời nhờ may mắn.

Lứa U19 với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... "làm mưa làm gió" trong 2 năm qua, đánh bại cả U19 Australia tới 5-1, đánh bại chính U19 Thái Lan 3-2 (vòng bảng U19 Đông Nam Á 2013) cũng chỉ như ngọn lửa nhen lên niềm hy vọng về một cuộc lật đổ người Thái trong tương lai. Mà kèm theo đó cần có cả sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ từ những người có trách nhiệm, chứ không phải cái cách người ta đã và đang để cho lứa U19 này "chết yểu" ở V-League đầy rẫy bạo lực, tiêu cực.

Thực tế, khi chiến thắng nhất thời của lứa Công Phượng qua đi, bóng đá Việt Nam lại trở lại với nỗi ám ảnh đứng sau cái bóng người Thái. Và trận chung kết U19 Đông Nam Á tối 4-9 đã nói lên tất cả. Một trận đấu mà chính HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận là thua từ tâm lý đến bản lĩnh. Đi xa hơn về vấn đề này, HLV Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn: "Thái Lan họ làm đào tạo trẻ bài bản hơn chúng ta. Nếu muốn theo kịp họ, cần phải phát triển nhiều hơn nữa những mô hình đào tạo trẻ bài bản như của Viettel, HAGL, PVF...".

Thua chiếc cúp, thua cả nền bóng đá ảnh 1

Bóng đá Việt Nam bao năm qua vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của Thái Lan

Những vấn đề ông Tuấn chỉ ra không mới. Bởi như đến hẹn lại lên, cứ sau mỗi thất bại của bóng đá Việt Nam ở sân chơi khu vực, nó lại được xới lên tranh luận nhưng sau đó lại tắt lịm trong sự im lặng của những người có trách nhiệm.

Gần 20 năm trước, HLV Alfred Riedl sau thời gian ngắn ngủi dẫn dắt ĐTQG Việt Nam đã "bắt bệnh" chính xác: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc". Còn giới chuyên gia trong nước cũng từng dùng hình tượng "kim tự tháp ngược" để ám chỉ cách làm bóng đá không giống ai, với việc giải VĐQG thì có tới 14 đội trong khi hạng Nhất lèo tèo 8 đội.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải từng băn khoăn: "Ngồi nhẩm tính lại, thử hỏi các cầu thủ đội trẻ như U13, U15, U17, U19, U21 của chúng ta, mỗi năm chỉ dự giải vô địch toàn quốc, đá thể thức vòng loại. Đội nào giỏi, vào tới bán kết, chung kết thì cầu thủ được đá 5-6 trận. Đội nào bị loại từ vòng bảng thì có khi cầu thủ chỉ ra sân 2-3 trận. Một năm cho ăn, cho tập mà chỉ đá giải chính thức 3-5 trận, thử hỏi làm sao so bì được với các cầu thủ cùng trang lứa của những nền bóng đá khác !?".

Ở góc nhìn khác, chuyên gia Đoàn Minh Xương chỉ ra "căn bệnh cố hữu" của giới quản lý bóng đá Việt Nam. Đó là sau mỗi giải đấu, dù thành công hay thất bại, cũng không hề thấy bộ phận chuyên môn của LĐBĐ Việt Nam nhìn nhận lại nguyên nhân, chỗ nào chưa được, chỗ nào cần phát huy, chiến thắng thì tung hê ăn theo dư luận nhưng khi thất bại, cũng chẳng hề có cuộc mổ xẻ nào để tránh đi vào vết xe đổ cho lần sau.

"VFF cần tổng kết lại, đưa ra khuyến cáo về công tác đào tạo trẻ cho các CLB, chứ như thế này sẽ còn thua người Thái mãi", chuyên gia Đoàn Minh Xương góp ý.