Thư viện ở nhờ, người đọc... thờ ơ

ANTĐ - Có một nghịch lý là mạng lưới thư viện tỉnh, thành phố “phủ sóng” khắp 63 tỉnh, thành nhưng người Việt hầu như không có thói quen đến thư viện để đọc, nghiên cứu. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó sự nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống sách báo là những lý do khiến người dân xa lánh thiết chế công cộng này.

Thư viện phải đi “ở nhờ”

Việt Nam không thiếu thư viện, nhưng cơ sở vật chất và hiệu quả hoạt động thư viện bấy lâu nay thật đáng lo ngại. Ông Vũ Công Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trước đây hoạt động thư viện là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư nhiều công sức, tiền của nhưng hiện nay, phong trào này lại gần như… thụt lùi, nếu không có những điều chỉnh thì khó lòng theo kịp sự phát triển của xã hội.

TS Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL cho biết, mặc dù cả 63 tỉnh, thành trên cả nước đều có thư viện nhưng hầu hết các thư viện này nằm trong các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa địa phương. “Hiện nay rất nhiều thư viện cấp tỉnh phải “ở nhờ”. Chẳng hạn thư viện tỉnh Hà Nam, thư viện tỉnh Đăk Nông…

Thư viện ở nhờ, người đọc... thờ ơ ảnh 1

Có thư viện công cộng, nhưng rất ít người đến để đọc sách

Một lần tôi đi công tác mới biết thư viện tỉnh Đăk Nông, đáng buồn lại lẩn khuất  trong nhà văn hóa. Người nào cần sách lắm mới tìm đến thư viện này, vì thư viện không có biển đề, lại nằm tít trên một quả đồi, trời mưa xuống bùn đất lầy lội”, bà Thúy Ngà chia sẻ. Cơ sở vật chất như thế, thử hỏi làm sao người dân lui tới để đọc sách. 

Thống kê mà Vụ Thư viện đưa ra cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam hiện nay sử dụng thư viện công cộng đạt 564.133 người, tức là chiếm chưa tới 0,1% trong tổng số 92 triệu dân. Nếu không có những cải thiện “làm sống lại” hoạt động thư viện thì khó trách được vì sao văn hóa đọc của người Việt ngày càng mai một. 

 Người lớn quên dạy trẻ cách đọc sách 

“Khi đi đến sân bay có thể thấy người nước ngoài trong lúc chờ đợi họ giở sách ra đọc còn người Việt Nam từ người lớn đến trẻ nhỏ chỉ cầm theo máy tính bảng hoặc điện thoại để chơi game, lướt mạng” -  TS Vũ Dương Thúy Ngà bày tỏ quan ngại. Hình ảnh này không phản ánh đa số, nhưng cho thấy rõ ràng thực tế người Việt Nam chưa thực sự có thói quen đọc sách. 

TS Nguyễn Ngọc Minh, Chủ nhiệm dự án “Sách ơi mở ra” cho biết: “Tôi đi dạy ở trường đại học nhận thấy rằng ngay cả sinh viên đại học và sinh viên khoa Ngữ văn, đáng lẽ ra là ngành cần đọc nhiều nhất, cũng không đọc sách. Tôi cho rằng, vấn đề ở đây không phải là trang bị sách. Bởi có sách rồi thì sao? Điều gì làm các bạn sinh viên, học sinh mở cuốn sách đó ra, đó mới là điều chúng ta cần bàn”.

TS Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ, ở Mỹ, việc phát triển kỹ năng tìm kiếm tư liệu và kỹ năng đọc được đưa vào giáo trình giảng dạy môn Văn, chiếm đến 1/3 thời lượng chương trình. Còn ở Phần Lan, một trong những quốc gia có nền văn hóa đọc phát triển nhất trên thế giới, hệ thống thư viện nhà trường và các chương trình hỗ trợ kỹ năng, thói quen đọc sách được coi là trọng tâm trong những giải pháp phát triển văn hóa của đất nước.

Còn ở Việt Nam, trong nhà trường, trong gia đình, người lớn dạy con trẻ rất nhiều thứ, nhưng gần như “quên mất cách dạy con đọc sách”. Bởi vậy, TS Nguyễn Ngọc Minh cho rằng đừng ta thán vì sao giới trẻ không đọc sách, hay có đọc nhưng chỉ đọc truyện tranh hay truyện ngôn tình Trung Quốc. Bởi vì không ai hướng dẫn cho chúng phải đọc sách gì và đọc sách như thế nào, thì làm sao trẻ có ý thức trong việc đọc, chọn lựa sách. 

Mới đây, dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” đã đưa kinh phí dự kiến 230 tỷ đồng để thúc đẩy phong trào đọc trong cả nước. Trong vô số chỉ tiêu đề án đưa ra, thì đáng chú ý, đến năm 2020 chúng ta phấn đấu đạt mức hưởng thụ sách, báo là 6 bản/người.

Còn nhớ cách đây không lâu, chúng ta còn giật mình vì câu chuyện “người Việt mỗi năm chưa đọc nổi một cuốn sách”, thì việc áp dụng những chỉ tiêu mang tính chất bắt buộc và những biện pháp “hành chính” vào một việc có tính chất tự nguyện như đọc sách, liệu có khả thi?

Tin cùng chuyên mục