Thủ tướng yêu cầu khẩn trương kết luận các cuộc thanh tra, tổ chức thanh tra các vấn đề mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương kết luận các cuộc thanh tra và tổ chức thanh tra các vấn đề mới nổi lên, đồng thời đề nghị Bộ Công an mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm dịp Tết...
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/12 (Ảnh: VGP)

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/12 (Ảnh: VGP)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2022 diễn ra sáng nay, 1-12, các ý kiến thảo luận đều thống nhất nhận định, tháng 11 và 11 tháng năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng.

Kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023. Trong đó, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN…

Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận cũng thẳng thắn chỉ ra rất nhiều khó khăn, hạn chế cũng như thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt như: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch; xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, sa thải lao động; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 11, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu cũng như đến Việt Nam.

Dự báo thời gian tới, tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức nhiều hơn do tác động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế được bộc lộ.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan phải bám sát các chủ trương, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; theo dõi, nắm chắc tình hình và kịp thời phản ứng bằng chính sách cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu phải tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: VGP)

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

"Chúng ta theo kinh tế thị trường thì tuân thủ quy luật cung cầu, cạnh tranh nhưng khi tình hình không bình thường thì phải phân tích nguyên nhân và có công cụ can thiệp kịp thời, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước không được bỏ mặc mà trách nhiệm càng phải cao, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng cơ quan nhà nước không có ý kiến gì hoặc bỏ mặc" - Thủ tướng lưu ý.

Về một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; khắc phục triệt để vấn đề xăng dầu; thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp; xử lý các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, trong đó cần khẩn trương rà soát, sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp;

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá chính xác tình hình để có mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, hiệu quả; trong đó cần tập trung tín dụng vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương kết luận các cuộc thanh tra; tổ chức thanh tra đối với các vấn đề mới nổi lên. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, nhất là trong dịp Tết.