Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi... ngủ gật trước các nỗ lực của G20

ANTĐ - Phải chăng vấn đề cứu nước Ý khỏi bờ vực phá sản không đủ khiến Thủ tướng Silvio Berlusconi... khỏi buồn ngủ? 

Các nhà lãnh đạo thế giới ngán ngẩm nhìn Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi ngủ thiếp đi trong cuộc thảo luận cấp cao G20 về vấn đề đưa ra giải pháp giúp Italy không trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro.

Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh G20 tại Cannes, Pháp, Thủ tướng Ý đã hai lần bị nhắc vì… ngủ gật.

Ông Berlusconi ngủ thiếp đi khi các nhà lãnh đạo cấp cao bao gồm Barack Obama, David Cameron, Angela Merkel và Nicolas Sarkozy đang kêu gọi giới quan chức Ý phải hành động nhiều hơn nữa để cứu đất nước ông khỏi bờ vực phá sản.

Các quan chức tham gia cuộc họp đã phải ... đánh thức Thủ tướng ý tới 2 lần

Các nhà lãnh đạo khác của G20 cũng không nề hà gì với dáng vẻ "gà gật" của Berlusconi và họ quyết làm bẽ mặt ngài thủ tướng bằng việc buộc ông phải đồng ý cho thanh tra Quỹ tiền tệ quốc tế kiểm tra sổ sách của chính phủ Italy với lý do cứu nước này khỏi số phận bi thảm như Hy Lạp. 

Một nhà ngoại giao tại buổi hội đàm nói: “Mối quan tâm hiện lớn hiện nay là dường như ông Berlusconi không thể kiểm soát được tình hình đang diễn ra tại Italy. Ông ngủ gật tới hai lần trong cuộc hội đàm. Họ đã phải đánh thức ông bằng một cú huých khuỷu tay nhẹ. Những nhà lãnh đạo khác cũng nhận thấy việc đó và tỏ ra vô cùng bất lực.”

Sau khi “tỉnh giấc”, Thủ tướng Ý tỏ ra vô cùng giận dữ với đồng tiền chung châu Âu. Ông phát biểu:  “Nước Ý trở nên nghèo khó kể từ khi có sự xuất hiện của đồng euro.” 

Italy đang mang khoản nợ gần 1,6 nghìn tỷ euro, cao gấp năm lần so với Hy Lạp và tỉ lệ thâm hụt sản phẩm quốc nội là 120%. Dù tình hình tại Ý thực sự đáng báo động, nhưng ông Berlusconi vẫn từ chối hành động để nhận gói cứu trợ từ IMF.

Trong khi Berluconi còn đang gật gù tại Cannes thì các đối thủ trên chính trường của ông đã tự hoạch định viễn cảnh sụp đổ cho vị Thủ tướng "ngủ gật" này. Ngày hôm qua, hàng ngàn người đã tụ tập biểu tình tại thủ đô nước Ý để phản đối chính phủ của Berlusconi. Những người biểu tình đứng chật cứng quảng trường chính ở Rome kêu gọi ngài Berlusconi phải từ chức. Họ yêu cầu một chính phủ mới lên thay thế.

Có hai nghị sĩ đã rời khỏi nhóm chính trị của ông Berlusconi, làm giảm tỉ lệ ủng hộ ông xuống 314 người trong tổng số 630 đại biểu cầm quyền ở Ý. Cùng lúc đó, 6 đồng minh của ông cũng đã lên tiếng kêu gọi “một giai đoạn chính trị mới và một chính phủ mới”.  

Trước khi rời Cannes, ngài Berlusconi từ chối việc từ bỏ chiếc ghế Thủ tướng. Nhưng như vậy không có nghĩa Berlusconi có thể ngồi chắc trên chiếc ghế đó, ông sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu ngân sách quan trọng vào thứ Ba tới cùng sự mất lòng tin vào các chính sách thắt chặt chi tiêu mà ông đã đưa ra.

Cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại bởi sự yếu kém của chính phủ Berlusconi trước tình hình nợ công nghiêm trọng tại Ý. Chính phủ hiện nay, với sự dẫn dắt của Berlusconi, khó có thể thông qua được các khoản cắt giảm ngân sách để cứu vãn nền kinh tế Italy đang bên bờ vực thắm. Đây không chỉ là mối lo ngại của riêng Italy mà còn là của nền kinh tế thế giới nói chung. Rất có thể, nếu nền kinh tế đứng thứ ba khu vực đồng tiền chung châu Âu này sụp đổ sẽ khiến kinh tế thới giới lao đao.

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi... ngủ gật trước các nỗ lực của G20  ảnh 2
Berlusconi gặp phải rất nhiều sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế cũng như trong nước