Thủ tướng: Phấn đấu đến ngày 30-9 trở lại trạng thái bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 25-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp

Thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội. Cuộc họp sẽ bàn sâu, xây dựng kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, có 16/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nêu những kinh nghiệm trong phòng chống dịch, nhất là kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức, phối hợp thực hiện. Việc thực hiện giãn cách, phong tỏa diện hẹp, tầm soát, xét nghiệm thần tốc, phân loại F0, cách ly, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả. Nhiều ý kiến quan tâm tới các tiêu chí, quy định về tình hình dịch bệnh để làm căn cứ nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”; vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội; khoảng ngày 30-9-2021 trở lại trạng thái bình thường mới tùy tình hình cụ thể của từng địa phương. Thủ tướng khẳng định, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Một số địa phương có ổ dịch mới phát sinh, song kiểm soát được ngay. Thủ tướng biểu dương các địa phương, nhất là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh miền Đông Nam bộ đã huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc phòng chống dịch; ghi nhận công sức của các lực lượng tuyến đầu, các tổ chức, cá nhân tình nguyện đã vì sức khỏe người dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc…

Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tại 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc

Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tại 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc

Cần khắc phục những hạn chế

Theo Thủ tướng, phòng chống dịch vẫn còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa chỉ đạo, triển khai tốt các quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế nên hiệu quả chưa cao. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Có nơi còn ở phong tỏa quá rộng, quá mức cần thiết. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội có lúc, có nơi vẫn chưa bao quát đủ đối tượng. Bài học kinh nghiệm là: Không được chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời tránh hoảng hốt khi dịch bùng phát. Phải nhất quán, kiên trì trong lãnh đạo, áp dụng linh hoạt vừa tập trung, vừa phân tán, căn cứ đặc thù của từng địa phương, thời điểm. Việc phân cấp thực hiện phòng chống dịch phải xuống tận cơ sở, tổ chức xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thấm nhuần phương châm “một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể đến sức khỏe, tính mạng và nhiều mất mát khác”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát, nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Về vấn đề vaccine, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch cho thời gian trước mắt và cả trong những năm tiếp theo. Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tổ chức dạy và học linh hoạt, an toàn. Các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng; khen thưởng thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm trong phòng chống dịch…

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại điểm cầu Hà Nội

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại điểm cầu Hà Nội

Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch

Báo cáo tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch của Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết một số kinh nghiệm Hà Nội đã triển khai. Đó là nơi nào nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách xã hội và khi nới lỏng. Từ khi bùng phát dịch đến nay, Hà Nội chỉ có hơn 4.000 ca mắc và đến ngày 25-9 chỉ còn hơn 500 ca đang phải điều trị. Tuy nhiên, thành phố luôn chuẩn bị kế hoạch cao hơn với phương án có 40.000 ca F0 và đã chuẩn bị các điều kiện cách ly, thu dung, điều trị. Việc xét nghiệm diện rộng, tầm soát y tế và tiêm chủng thần tốc cũng đem lại hiệu quả rất tốt. Kinh nghiệm là phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khi có vaccine thì tiêm ngay. Khi tổ chức theo cách này, Hà Nội có thể tiêm được 300.000 mũi/ngày. Cùng với sự hỗ trợ của các địa phương bạn và bệnh viện Trung ương, có ngày 1.600 dây chuyền đã tiêm được gần 600.000 mũi. Việc tiêm chủng của Hà Nội được thực hiện thuận lợi nhờ nhận được sự hưởng ứng rất lớn của người dân. Trong khoảng 7 ngày, Hà Nội đã tiêm được trên 3,5 triệu mũi. Nhân dịp này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trân trọng cảm ơn các tỉnh, thành phố bạn, các cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện tối đa cho Hà Nội trong thời gian qua.

Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, một kinh nghiệm nữa được rút ra là phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phòng chống dịch. Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã triển khai rất tốt việc khai báo y tế; hoạt động của Tổng đài 1022, phần mềm là phân loại điều trị F0 và phân loại theo dõi F1 đang được ứng dụng rất hiệu quả. Đây thực sự là bài học quan trọng trong phòng chống dịch. Ngoài ra, ngay từ khi bắt đầu có dịch năm 2020, Hà Nội đã chủ trương phong tỏa hẹp nhất có thể, nhưng phải xét nghiệm rộng và trả kết quả ngay với công thức 4-6 (4 tiếng lấy mẫu, 6 tiếng trả kết quả) để thu hẹp vùng phong tỏa. Ví dụ ở khu chung cư thì sau khi có kết quả sẽ chỉ triển khai phong tỏa theo tầng chứ không phong tỏa toàn bộ toà nhà. Một kinh nghiệm nữa Hà Nội thống nhất không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Quan điểm này không chỉ được áp dụng trong thời gian giãn cách, mà cả khi nới lỏng hay hết giãn cách hoàn toàn.

Phó Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước tiếp tục nới lỏng căn cứ trên thực tiễn, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả đối với dịch Covid-19. Dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế đã được Hà Nội cập nhật và triển khai tới cơ sở, căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương để bám sát 6 nguyên tắc mà Thủ tướng nêu ra. Phó Bí thư Thành ủy đồng tình với dự thảo của Bộ Y tế và đề nghị chính thức đưa vào triển khai để có căn cứ pháp lý.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu 2 kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất, tuy đã kiểm soát cơ bản tình hình dịch bệnh nhưng Hà Nội xác định nguy cơ vẫn cao do vẫn còn F0 trong cộng đồng; vẫn có người về từ vùng dịch bị nhiễm Covid-19; có tâm lý lơ là, chủ quan, sớm tự mãn với kết quả bước đầu đạt được, trong đó việc người dân đổ ra đường tối Trung thu vừa qua là bài học rất sâu sắc và thành phố cũng đã rút kinh nghiệm. Vì thế, Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Thủ đô. Thứ hai, cuối tháng 10-2021 là thời điểm thành phố triển khai tiêm vaccine mũi 2, vì vậy, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành quan tâm bố trí vaccine để bảo đảm mục tiêu toàn bộ người dân Thủ đô từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi.