Thủ tướng Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam và Philippines

ANTĐ - Nhật Bản sẽ hỗ trợ hết mức cho những nỗ lực của các nước ASEAN đảm bảo an ninh trên biển và trên không, và đảm bảo tự do hàng hải và tự do bay. 
Thủ tướng Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam và Philippines
Phát biểu tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La khai mạc tại Singapore ngày hôm qua (30-5), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc giục các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, không có hành động đơn phương trên biển…, tuân thủ triệt để 3 nguyên tắc đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Ông Shinzo Abe cũng kêu gọi tăng cường Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, tăng tính minh bạch của chi tiêu quân sự, hỗ trợ ASEAN… Nhật Bản sẽ hỗ trợ hết mức cho những nỗ lực của các nước ASEAN đảm bảo an ninh trên biển và trên không, và đảm bảo tự do hàng hải và tự do bay.

Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Việt Nam và Philippines

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết của việc triệt để tuân thủ pháp luật vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Về tình hình châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, ông Abe đề cập một yếu tố gây mất ổn định, đó là “các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực hoặc áp bức”.
“Gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và tôi cùng khẳng định Mỹ và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác ba bên với các đối tác có tư tưởng giống nhau để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”, Thủ tướng Nhật Bản nói.
Ông Abe nhấn mạnh, các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có luật quốc tế về quản lý các vấn đề trên biển. Nguyên tắc đầu tiên là các quốc gia phải tuyên bố và làm rõ những yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai là các quốc gia không được sử dụng vũ lực hoặc sự áp bức để cố gắng thúc đẩy các yêu sách của mình. Nguyên tắc thứ ba là các quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
“Chính phủ Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines kêu gọi giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông mà thực sự phù hợp với 3 nguyên tắc nêu trên. Nhật Bản cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại”, Thủ tướng Abe tuyên bố.
Việt Nam gửi Công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên hợp quốc
Ngày 28-5, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam kiên quyết bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc, cho rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) là thuộc vùng biển của cái gọi là “quần đảo Tây Sa”, và một lần nữa khẳng định rằng “quần đảo Tây Sa” mà Trung Quốc đề cập đến chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực năm 1974. 
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Văn kiện trên đồng thời phản đối đến quan điểm của Trung Quốc, cho rằng Việt Nam đã phân 57 lô dầu khí, trong đó có 7 mỏ cùng 37 giàn khoan đang hoạt động tại vùng biển tranh chấp. 
Việt Nam khẳng định quan điểm này của Trung Quốc được đưa ra mà không căn cứ vào một cơ sở pháp lý nào, do vậy, Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này, đồng thời khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều tiến hành trên thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Công hàm của Việt Nam khẳng định sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước.
Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc cho lưu hành văn bản trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trước đó, hôm 9/5, Liên hợp quốc cũng đã cho lưu hành một Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của nước ta.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc có những hành động gây hấn ở biển Đông
Ngày 31-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc có những hành động gây bất ổn ở biển Đông và cảnh báo rằng Washington sẽ không tiếp tục bị động nếu trật tự quốc tế bị đe dọa.
Ông Hagel Nhấn mạnh các cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và bạn bè ở châu Á và kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế và đưa ra một thông điệp thẳng thắn tới Trung Quốc, nước cử một đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 tại Singapore.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây mất ổn định, đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông. Mỹ sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức.
Ông Hagel cáo buộc Trung Quốc hạn chế Philippines tiếp cận bãi Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), gây sức ép lên sự hiện diện lâu nay của Manila ở bãi Second Thomas (bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái), bắt đầu cải tạo đất đai ở nhiều vị trí khác nhau và di chuyển giàn khoan dầu Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam.
Ông tuyên bố mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau này, song Washington “kiên quyết phản đối bất cứ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định đòi hỏi chủ quyền”.