Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Giám sát, xử lý dự án đầu tư vi phạm môi trường còn yếu kém"

ANTĐ - "Việc đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời; đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Sáng 29-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%, tín dụng tăng 8,16%; xuất siêu 1,54 tỷ USD; thu Ngân sách Nhà nước tăng 6,1%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%; vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD; vốn ODA ký kết mới tăng 61%; GDP tăng 5,52%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5%. Khách quốc tế tăng 21,3%. Hỗ trợ nhà ở cho trên 15 nghìn gia đình người có công, nâng tổng số lên trên 80 nghìn gia đình, tạo việc làm cho 762 nghìn người. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 5,4%, bảo hiểm thất nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, đạt 78,6%. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay đạt 94,9%... 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đánh giá thực trạng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý; quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí; bội chi Ngân sách Nhà nước liên tục ở mức cao; nợ đọng thuế còn lớn... 

"Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế, thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm. Đặc biệt việc đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời; đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

Một là, lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Kiểm soát lạm phát, tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. 

Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài. Thúc đẩy phát triển mạnh thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp để chủ động tham gia hiệu quả Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định Thương mại tự do.

Hai là, thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế. 

Cụ thể, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phấn đấu năm 2016 đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của ASEAN-4. 

Tăng cường huy động nguồn lực, khuyến khích khu vực ngoài nhà nước. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, tăng cường công khai, minh bạch. Chuẩn bị triển khai các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu tổng thể kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, hỗ trợ diêm dân, ngư dân đánh bắt xa bờ, người dân sinh sống trên các đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng, công nghệ cao, thông tin, viễn thông.

Ba là, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. 

Cụ thể, tập trung hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hoàn thiện pháp luật về đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Kiên quyết xóa bỏ các giấy phép con không còn phù hợp, bảo đảm các điều kiện kinh doanh phải lượng hóa được và công khai, minh bạch, khả thi. 

Xây dựng kế hoạch tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tỷ lệ vốn bán ra, sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển. 

Tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, các loại hình hợp tác xã, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh, có năng lực cạnh tranh cao, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ.

Bốn là, xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính.

Cụ thể, tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật kỷ cương. Tập trung rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Công khai, minh bạch trong xây dựng, thực thi pháp luật; tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; khen thưởng kịp thời và bảo vệ người phát hiện, tố cáo. 

Năm là, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để học sinh nghèo có cơ hội học tập, làm việc và tiến thân. 

Làm tốt công tác y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện trung ương và tuyến cuối. Tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh, bác sỹ gia đình; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nâng cao năng lực y tế cơ sở.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, rèn luyện kỹ năng sống. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Cải thiện cơ sở vật chất trường học, nhất là phòng học, thư viện, nhà vệ sinh. 

Chú trọng công tác người cao tuổi, người khuyết tật, gia đình, trẻ em, thanh thiếu niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, chống bạo lực gia đình. Khẩn trương hoàn thiện các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên.

Cụ thể, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh và COP-21. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai, nguồn nước. Kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, cát sỏi trái phép. Thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ và phát triển rừng; đóng cửa rừng tự nhiên. 

Bảy là, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế

Cụ thể, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh. Tăng cường năng lực và phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới, hải đảo; bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế biển; sẵn sàng ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu hộ cứu nạn. 

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích quốc gia. Đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. 

Tám là, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Cụ thể, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Tập trung tuyên truyền xây dựng xã hội lành mạnh, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí. Triển khai thực hiện công tác quy hoạch, quản lý và phát triển báo chí.