Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tranh chấp trên Biển Đông rất khó lường!

ANTĐ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 27-10 đã nêu lên nhận định trên tại Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015 của Bộ Ngoại giao, khi cho rằng: “Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường”. 

Lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với khoa học công nghệ phát triển rất nhanh đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Kinh tế thị trường; tiến bộ công bằng xã hội; dân chủ - pháp quyền; hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình - phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới; các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng quyết liệt. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tranh chấp trên Biển Đông rất khó lường! ảnh 2Tàu hải quân USS Lassen của Mỹ ở gần vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Trải qua 30 năm Đổi mới, mặc dù vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhưng thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều. Thủ tướng nhận định: “Thời gian tới, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đều lớn, đan xen nhau và chuyển hóa lẫn nhau. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra là rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp”.

Theo đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế; việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định FTA giữa Việt Nam với EU, với Hàn Quốc, với Liên minh kinh tế Á - Âu cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Chính bởi vậy, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi chúng ta phải kiên định mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, đoàn kết nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, nỗ lực phấn đấu khắc phục những hạn chế yếu kém, vượt qua khó khăn thách thức xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - độc lập, hòa bình, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; dân chủ, tự do, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh; hội nhập và phát triển, tiến cùng thời đại, sánh vai với bạn bè trên thế giới - như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của nước ta đã đề ra.

Thực hiện hiệu quả các biện pháp chính trị - ngoại giao 

Trong tình hình mới, nhiệm vụ của ngành Ngoại giao theo Thủ tướng là “rất nặng nề, đòi hỏi các đồng chí phải luôn kiên định mục tiêu và quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; nỗ lực hành động quyết liệt và lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần thiết thực với hiệu quả ngày càng cao để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế phải chủ động, tích cực góp phần quan trọng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, bình đẳng cùng có lợi, đồng thời gắn chặt với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. 

Thủ tướng nêu bật yêu cầu: Thực hiện hiệu quả các biện pháp chính trị - ngoại giao trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế; Đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Nói với các cán bộ ngoại giao hàng đầu của đất nước, Thủ tướng đồng thời lưu ý việc “đoàn kết xây dựng cộng đồng ASEAN và làm tốt trách nhiệm là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế”. 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xây hải đăng trái phép ở Hoàng Sa

Ngày 28-10, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là ‘thành phố Tam Sa”. 

Theo ông Lê Hải Bình, việc cái gọi là “chính quyền thành phố Tam Sa” tuyên bố đã hoàn thành việc xây dựng 2 ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực. 

Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không có giá trị. “Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC và chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên” - Người Phát ngôn tuyên bố. 

Trước đó, ông Lê Hải Bình đã khẳng định việc Trung Quốc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. 

Bình tĩnh theo dõi kỹ tình hình

Liên quan đến việc Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen vào tuần tra trên Biển Đông, ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định  cho rằng, ngoài việc cần phải bình tĩnh theo dõi kỹ tình hình, Việt Nam cần chủ động, tranh thủ các diễn đàn quốc tế để lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.